"Đại án" còn vắng bóng các vị làm nhiệm vụ thanh tra, giám sát...
(Dân trí) - Trong các phiên tòa xét xử các vụ "đại án" vừa qua: Vụ Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo, vụ ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và các đồng phạm cố ý làm trái, vụ Phạm Công Danh... hầu như không thấy bóng dáng quan chức, cán bộ nhà nước có trách nhiệm kiểm tra, giám sát. Đây là một điều đáng ngạc nhiên.
Thật vậy, không chỉ có các vụ án trên. Các vụ án kinh tế gây những hậu quả nghiêm trọng trước đây như vụ Vinashin, Vinalines... cũng hầu như không có quan chức, cán bộ nhà nước nào ra phải ra tòa vì trách nhiệm hay có tội danh liên quan.
Vụ ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh cùng đồng phạm cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế của nhà nước cũng vậy. Ông Thăng mặc dù sau này là một quan chức cao cấp trong bộ máy; Trịnh Xuân Thanh cũng làm đến chức vụ Phó Chủ tịch tỉnh (Hậu Giang), được bầu làm Đại biểu Quốc hội nhưng thời điểm gây ra các hành vi vi phạm pháp luật thì đều là lãnh đạo doanh nghiệp.
Và lạ thay, ở các phiên tòa xét xử những người này, không thấy tòa triệu tập, gọi hỏi lãnh đạo hay cán bộ, công chức nhà nước liên quan. Trên thực tế, ở một vài vụ việc liên quan, cũng có người bị đình chỉ công tác, thậm chí có người bị xóa chức vụ đã từng nắm giữ như ông Vũ Huy Hoàng, người đã từng làm Bộ trưởng Bộ Công Thương, bị xóa tư cách là Bộ trưởng trong một nhiệm kỳ. Nhưng những hình thức xử lý này, thực sự chưa có ý nghĩa thực tế lớn.
Nói là lạ vì những người am hiểu về hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty lớn đều hiểu, các bộ, ngành quản lý của nhà nước đều có trách nhiệm không nhỏ trong việc quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp này.
Có không ít người cho rằng, việc quản lý hoạt động khối doanh nghiệp nhà nước còn lỏng lẻo nên mới xảy ra những vụ án kinh tế nghiêm trọng như các vụ việc tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), tại Vinashin, Vinalines, Tập đoàn hóa chất (Vinachem)...
Nhưng thực tế, trong hoạt động của các doanh nghiệp, ai cũng biết hầu như tất cả các hoạt động, các kế hoạch, dự án, tình hình sản xuất- kinh doanh, lợi nhuận, lỗ lãi... đều được báo cáo hàng quý, hàng tháng đến các bộ, ngành quản lý để các cục, vụ, viện thuộc bộ, ngành đó nắm, đánh giá, phê duyệt, cho ý kiến.
Không chỉ có thế, hoạt động doanh nghiệp nhà nước còn chịu sự giám sát, quản lý của thiên la, địa võng các quy định về quản lý, về giám sát, thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước, không chỉ ở Bộ, ngành mà doanh nghiệp đó trực thuộc.
Một doanh nghiệp thuộc PVN thì không chỉ có các cục, vụ như: Vụ Năng lượng (trước đây), Vụ Kế hoạch... theo dõi, nhận báo cáo, trình lãnh đạo Bộ duyệt, có Thanh tra Bộ kiểm tra, thanh tra mà còn chịu sự thanh tra, giám sát từ Thanh tra Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, thậm chí cả các đoàn thanh tra, kiểm tra về thuế, giám sát của Quốc hội...
Thế cho nên, khi tại PVN, PVC hay Vinachem, Vinashin... xảy ra hàng loạt các vụ án kinh tế rất nghiêm trọng, hàng loạt lãnh đạo chức vụ cao cấp nhất của các tập đoàn, tổng công ty này bị khởi tố, xét xử, phạt tù mà lại không có mấy bóng dáng cán bộ, quan chức nhà nước có trách nhiệm liên quan thì quả là hơi lạ.
Bởi với mạng lưới kiểm soát, kiểm tra, giám sát dày đặc như vậy mà với những vi phạm rất lớn, gây nên những hậu quả nghiêm trọng, làm thiệt hại hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn tỷ đồng cho nhà nước mà qua theo dõi, báo cáo, giám sát hàng ngày, hàng tuần, hàng quý...các cán bộ, chuyên viên, quan chức nhà nước được phân công theo dõi, nắm bắt, kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp mà không phát hiện được những sai phạm đó thì quả là rất thiếu trách nhiệm.
Hay chính là họ cũng cùng hội, cùng nhóm, đồng lõa các hành vi phạm tội, với các lãnh đạo, cán bộ tại doanh nghiệp phạm tội, bao che cho các hành vi đó nên cố tình không nhìn thấy những sai trái để những sai trái đó cứ thế phát triển, lộng hành.
Và đến khi, những hậu quả của những vi phạm pháp luật đó quá lớn, bung bét ra, cơ quan điều tra vào cuộc, xử lý, truy tố, thì chỉ có những lãnh đạo, cán bộ các tập đoàn, tổng công ty phải ra tòa. Còn các quan chức, cán bộ có trách nhiệm phải thấy mà không thấy tội đó thì được rũ bỏ trách nhiệm, không liên quan?
Không phải tự nhiên, trong một phiên xét xử, ông Đinh La Thăng cũng có lý khi nói rằng: Nếu như cơ quan quản lý và cuộc, cảnh báo cho tôi sớm hơn về những vi phạm mà chúng tôi (PVN) mắc thì có thể chúng tôi đã nắm bắt được, để không tiếp tục sa lầy sâu hơn vào những việc vi phạm.
Cho nên, có thể nói, việc xét xử ở các "đại án" vừa qua nhìn chung dư luận người dân đồng tình, đánh giá là "đúng người, đúng tội". Nhưng còn đó cả một câu hỏi: Những quan chức, cán bộ nhà nước thiếu trách nhiệm trong quản lý, giám sát doanh nghiệp, hay biết những sai phạm trong doanh nghiệp nhưng cố tình không cảnh báo, báo cáo để xử lý sớm, chấn chỉnh các sai phạm đó, lờ đi vì những lợi ích cá nhân thì xử lý thế nào? Tại sao không lại không bị ra tòa hay chí ít cũng bị xử lý hành chính: Cách chức, khiển trách, thậm chí chỉ là kiểm điểm? Và những câu hỏi này, có lẽ cũng cần phải được trả lời.
Mạnh Quân