“Cửa ải” khó nhất đang chờ tân Bộ trưởng Nội vụ

(Dân trí) - Tinh giản biên chế chính là “cửa ải” khó khăn nhất đang chờ tân Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Tuy nhiên, khó không có nghĩa là không làm được và trở ngại dù nhiều cũng không thể không vượt qua. Vấn đề là có quyết tâm hay không và đây là câu hỏi xin dành gửi tới tân Bộ trưởng Bộ Nội vụ.


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Theo cơ cấu tổ chức của ta, chỉ ít tháng nữa, khi Quốc hội họp sẽ là thời điểm kết thúc nhiệm kỳ của một số vị tư lệnh ngành. Và nếu không có gì thay đổi, Bộ Nội vụ sẽ có Bộ trưởng mới.

Vậy điều gì đang chờ đợi ở vị tân Bộ trưởng của bộ này?

Nhiều và rất nhiều việc phải làm bởi Bộ Nội vụ là nơi làm công tác cán bộ mà công tác cán bộ thì vốn là “then chốt của then chốt”.

Song, có lẽ người dân đang chờ đợi nhiều nhất ở Bộ Nội vụ đồng thời cũng là “cửa ải” khó khăn nhất đang “nghênh đón” tân Bộ trưởng, đó là việc tinh giản biên chế.

Trả lời báo chí, ông Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ đã phải thốt lên: “sẽ gặp rất nhiều trở ngại”.

Có lẽ cũng không cần nhắc lại sự “đồ sộ” của đội ngũ công chức, viên chức lên đến 2,8 triệu người, trong đó có tới 30% như lời Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là “sáng cắp ô đi, tối cắp về”, “có cũng được mà không cũng được”.

Có lẽ cũng không so sánh với các nước, như Mỹ chẳng hạn khi hiện tại dân số nước Mỹ là 315 triệu người và số công chức quản lý bộ máy nhà nước là 2,1 triệu người. Ở Việt Nam ta dân số 90 triệu người, bằng 1/3 Mỹ nhưng số công chức cao hơn họ rất nhiều.

Có lẽ cũng không nên đặt vấn đề có tinh giản biên chế hay không bởi đó là việc tất nhiên, không phải bàn cãi nữa bởi nói như ĐB Trần Du Lịch: “Bộ máy lớn thế, dân nuôi sao nổi”.

Song, “giản” ai và “giản” như thế nào? Ở lĩnh vực nào lại không hề đơn giản.

Trước hết, tất nhiên là phải “giản” những ai lười biếng, thiếu năng lực, thậm chí thiếu tác phong, đạo đức.

Thế nhưng ai là người thiếu những cái đó? Tất nhiên là chả ai nhận rồi bởi những ai nhận thức được rằng họ thiếu như thế, họ sẽ khắc phục. Còn những người thiếu thì, tất nhiên là họ chả bao giờ nhận ra cả.

Rồi giản như thế nào để công việc tốt hơn cũng là vấn đề không hề dễ. Ví như nếu làm ồ ạt thì sẽ tạo lỗ hổng về công việc mà nếu “giản” quá chậm như hiện nay thì người giảm sẽ không bằng người tăng, người ra sẽ ít hơn người vào và tất yếu, bộ máy lại tiếp tục phình to.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Nội vụ, tính đến ngày 11/1/2016, đã có 25 lượt Bộ, ngành và 79 lượt địa phương thực hiện tinh giản biên chế năm 2015, 2016 với tổng số đối tượng giải quyết tinh giản biên chế là 9.595 người.

Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2020, sẽ phải giảm khoảng 100 ngàn người. Nếu như với tốc độ hiện nay (gần 10 ngàn người/năm), phải 10 năm nữa mới đạt con số 100 ngàn, tức là vào khoảng… năm 2026.

Rồi giản ở lĩnh vực nào, thậm chí làm thế nào để tăng ít nhất cũng là vấn đề không hề dễ. Ví như để đáp ứng yêu cầu về giáo dục, về chăm sóc sức khỏe cho người dân, các địa phương vẫn phải thành lập thêm các trường học, bệnh viện và khi có trường học, bệnh viện thì phải có thêm thầy giáo, thầy thuốc…

Tinh giản biên chế cũng không chỉ đơn thuần là đưa một số tỷ lệ nhất định ra khỏi đội ngũ mà còn phải thu hút những người có đủ phẩm chất, trình độ, năng lực … để đảm bảo nâng cao chất lượng đội ngũ…

Có lẽ Bộ Nội vụ cũng nên tham khảo cách làm của Quảng Ninh. Đó là nhất thể hóa chức danh người đứng đầu cấp ủy và chủ tịch UBND địa phương, điều chỉnh hệ thống tổ chức Đảng, bỏ những khâu trung gian kém hiệu quả, lập hệ thống tổ chức Đảng gắn với tổ chức hành chính, chuyên môn… như trong Đề án 25 "Nâng cao năng lực, sức chiến đấu; đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; tinh giản bộ máy, biên chế”.

Tóm lại, tinh giản biên chế chính là “cửa ải” khó khăn nhất mà tân Bộ trưởng Bộ Nội vụ và các cộng sự của ông sẽ phải vượt qua trong thời gian sớm nhất. Với công thức”4 ệ: hậu duệ - quan hệ - tiền tệ và trí tuệ” hiện nay thì “cửa ải” chờ đợi tân Bộ trưởng càng lớn.

Tuy nhiên, khó không có nghĩa là không làm được và trở ngại dù nhiều cũng không thể không vượt qua. Vấn đề là có quyết tâm hay không và đây là câu hỏi xin dành gửi tới tân Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

Bùi Hoàng Tám