Công khai "trấn lột" tiền của dân!
(Dân trí) - Gần như tất cả các điểm gửi xe máy ở Hà Nội đều tăng giá gấp 2 – 3 lần, có nơi gấp 5 lần. Các điểm đông khách, nhu cầu gửi xe cao, giá gửi xe rất tùy tiện. Người dân biết bị chặt chém, nhưng không phải chịu, chẳng lẽ đi đôi co với chủ bãi, thà chịu mất tiền để khỏi nhọc sức, mất thời gian.
Chủ bãi gửi xe có lý luận của họ, ngày Tết, tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ đều tăng giá, gửi xe cũng tăng mới công bằng. Nhưng họ quên rằng, hàng ăn tăng vài chục phần trăm, còn giữ xe tăng đến 200% - 300%. Một mùa Tết, giữ xe với giá cắt cổ thì hốt bạc quá dễ.
Tất nhiên là người dân không làm gì được các chủ bãi xe, nhưng chẳng lẽ chính quyền bất lực. UBND TP Hà Nội đã có Quyết định số 60/2013/QÐ-UBNDngày 22.12.2013 về việc sửa đổi mức thu phí trông giữ xe đạp, xe máy. Theo đó, phí trông giữ xe đạp (kể cả xe đạp điện, xe máy điện) là 2.000 đồng/lượt (ban ngày), 3.000 đồng/lượt (ban đêm). Ðối với xe máy, mức phí trông giữ là 3.000 đồng/lượt (ban ngày), 5.000 đồng/lượt (ban đêm), 7.000 đồng cả ngày và đêm. Thế nhưng, các quy định này không có giá trị với các cở kinh doanh giữ xe.
Chính quyền ban hành quy định, nhưng không điều chỉnh được hoạt động trên thực tế thì ban hành để làm gì? Các điểm giữ xe tăng giá gấp 2 – 3 lần, người dân bức xúc, báo chí lên tiếng, nhưng không ai xử lý. Các chủ bãi giữ xe gần như coi thường chính quyền.
Cũng có thể, những người chịu trách nhiệm kiểm tra việc kinh doanh các bãi giữ xe, vì lý do nào đó đã nhắm mắt làm ngơ.
Không riêng gì Hà Nội, tại TPHCM cũng có tình trang tương tự. Các điểm giữ xe tăng giá tùy thích, dân chẳng biết kêu ai. Hoặc dân cứ chấp nhận theo cách nghĩ, Tết thì tăng giá. Một cách suy nghĩ thụ động trước những kẻ làm ăn bất chính. Đừng tưởng năm bảy ngàn đồng là nhỏ, môt mùa Tết, chủ giữ xe thu tiền tỉ đấy. Trong khi, người lao động nghèo chỉ cần có vài triệu đồng để lo cho cả gia đình ngày Tết.
Nặng nề hơn là ô tô. Ở TPHCM, Hà Nội đều thiếu chỗ đậu ô tô. Tại các điểm quy định đậu xe có thu phí, nơi nào cũng bị lấy tiền cao hơn số tiền quy định. Người đi ô tô coi như đó là bắt buộc, vì có chỗ đậu xe là tốt rồi.
Ngoài điểm đậu xe có thu phí, rất nhiều điểm khác có những người tự cho mình quyền thu phí ô tô. Bất cứ đậu chỗ nào ngoài các bãi giữ xe, ngay lập tức có người đến chìa tay thu tiền, ít nhất là 20.000 đồng, có nơi 30.000 đồng. Ai cũng muốn yên thân, và yên cho chiếc ô tô của mình nên phải trả tiền. Dần dần, xã hội tự công nhận cho một nghề trấn lột tiền của dân công khai. Đây là một sự bất công và cũng thể hiện sự bất lực trong quản lý.
Xây dựng một xã hội công bằng, văn minh đòi hỏi quá nhiều giá trị. Nhưng trước tiên hết, hãy làm được những việc nhỏ, trong đó có việc quản lý giá giữ xe.
Lê Chân Nhân
Tình trạng “chặt chém”, nâng giá vé gửi phương tiện cao gấp nhiều lần quy định dịp Tết (đặc biệt là sau Tết Nguyên đán) năm nào cũng xảy ra. Theo bạn, để hạn chế tình trạng này nên: Đưa ra những chế tài mạnh hơn về xử phạt điểm trông xe vi phạm Cung cấp đầy đủ số điện thoại của các cơ quan chức năng liên quan tại điểm trông xe, điểm công cộng Người gửi xe cần báo ngay cơ quan chức năng khi bị “chặt chém” Ý kiến khác
BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.
Cám ơn các bạn!