Tết đến lại loạn giá vé gửi xe ở Hà Nội

Cứ mỗi dịp hội hè, lễ Tết, vé gửi xe tại các chợ, đình chùa, bệnh viện lại được cơ hội tăng giá. Nhiều người dân bất bình nhưng không còn lựa chọn nào khác nên buộc phải chấp nhận. Mặc dù UBND TP Hà Nội mới có văn bản yêu cầu chấn chỉnh lại các điểm trông giữ xe nhưng vi phạm vẫn diễn ra tại hầu hết các điểm trông xe trên địa bàn thành phố.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: 

* Kiệm bộn nhờ buôn lá dong rừng gói bánh chưng

* Cấp tập biến VN thành 'cường quốc' cây mắc-ca: Không chờ nữa

* Đà Nẵng hủy bắn pháo hoa đêm Giao thừa Tết Nguyên đán

* “Cụ” mai vàng 99 năm tuổi được chào giá 2 tỉ đồng

* Kiểm tra Công ty Tân Hiệp Phát về vệ sinh thực thẩm trong 30 ngày

* Đào phai nở rộ, vắng vẻ khách mua

Chúng tôi có mặt tại chợ Đồng Xuân những ngày giáp Tết Ất Mùi. Lượng người và xe đổ về ngày một đông hơn. Diện tích bãi trông giữ xe tại đây được mở rộng hơn bình thường. Bốn bề bao quanh chợ là bốn bãi gửi xe, 2 bãi gửi xe theo quy định của Công ty cổ phần Đồng Xuân và 2 điểm trông giữ xe tự phát (1 điểm nằm trước cổng chính của chợ tại ngã tư Hàng Khoai – Hàng Giấy và một ở phía sau chợ).

Tại 2 điểm trông giữ xe của Công ty cổ phần Đồng Xuân đều gắn biển niêm yết ghi rõ: giá vé xe đạp 2.000 đồng, xe máy là 3.000 đồng kèm theo dòng chữ: “Quý khách trả tiền theo giá trên, nếu có gì chưa hài lòng, hãy gọi điện thoại qua đường dây nóng...”. Bảng giá, vé giữ xe rõ ràng như vậy nhưng những bảo vệ ở đây lại thu tiền gửi xe cao gấp 2-3 lần. Phí trông giữ xe máy mỗi lần từ 5.000 -10.000 đồng.

Khi tôi lấy xe ra khỏi bãi, tôi hỏi bảo vệ “Vé xe bao nhiêu tiền ạ?”, bảo vệ đáp lại nghe không rõ, tôi đưa 10.000 đồng. Bảo vệ cầm đi luôn, tiếp tục công việc ghi vé xe cho khách. Tôi đứng chờ, đợi lúc bảo vệ đi lại, tôi thắc mắc: “Chú ơi! Vé xe bao nhiêu thế ạ?”. Chú bảo vệ không trả lời mà thản nhiên đi qua tiếp tục công việc. Lần thứ hai quay lại chỗ tôi đứng, chú bảo vệ trả lại cho tôi 5.000 đồng. Biển ghi rõ là vậy nhưng các bảo vệ lại thực hiện hoàn toàn khác.

Chợ
Đồng Xuân, một trong những điểm thường xuyên vi phạm về giá trông giữ xe.
Chợ Đồng Xuân, một trong những điểm thường xuyên vi phạm về giá trông giữ xe.

Tại điểm trông giữ xe của Bệnh viện Phụ sản Trung ương không chỉ vi phạm về giá mà vỉa hè dành cho người đi bộ cũng bị lấn chiếm làm bãi gửi xe.

Tại đây, cũng có treo biển ghi phí trông xe máy: ban ngày 2.000 đồng, đêm 3.000 đồng. Nhưng số 2, 3 đã bị chủ bãi giữ xe bóc ra, chỉ còn vết dán mờ mờ trên biển. Mỗi lượt gửi xe ban ngày họ lấy 5.000 đồng, ban đêm lên tới 20.000 đồng. Không chỉ ở chợ, bệnh viện mà ngay những nơi linh thiêng như đền, chùa giá vé gửi xe cũng được đội lên nhiều lần...

Ngày 22/12/2013, UBND TP Hà Nội ra Quyết định số 60/2013/QÐ-UBND về việc sửa đổi mức thu phí trông giữ xe đạp, xe máy. Theo đó, phí trông giữ xe đạp (kể cả xe đạp điện, xe máy điện) là 2.000 đồng/lượt (ban ngày), 3.000 đồng/lượt (ban đêm). Ðối với xe máy, mức phí trông giữ là 3.000 đồng/lượt (ban ngày), 5.000 đồng/lượt (ban đêm), 7.000 đồng cả ngày và đêm.

Tuy nhiên, ngày 10/2/2015 (tức 22 tháng Chạp), có mặt tại hàng loạt điểm trông giữ xe trước cửa các bệnh viện và các chợ đầu mối, đền, chùa trong nội thành Hà Nội, người dân phải trả phí gửi xe máy cao hơn gấp hai, gấp ba lần so với quy định. Quy định mức giá mới của thành phố vẫn chưa được áp dụng đúng.

Ngoài diện tích đất cho phép, phần lớn các điểm trông giữ xe tận dụng lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh đặc biệt là những bãi gửi xe tự phát. Do đó, tình trạng ùn tắc thường xuyên xảy ra, ảnh hưởng văn minh đô thị.

Tình trạng “chặt chém”, nâng giá vé gửi phương tiện cao gấp nhiều lần quy định dịp Tết (đặc biệt là sau Tết Nguyên đán) năm nào cũng xảy ra nhưng xem ra những chế tài để ngăn chặn tình trạng này cũng chưa đủ sức răn đe. Chính vì vậy chỉ có người dân là phải bấm bụng chịu thiệt.

Điều làm dư luận bức xúc là cơ quan chức năng của TP Hà Nội mất nhiều thời gian soạn thảo những quy định mà chẳng ai thực hiện, người dân thì vẫn phải chịu thiệt.

Theo Hoàng Hòa - Anh Thư
Công an Nhân dân
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”