Chuyện nhân sự Đại hội XIII, lại bàn về “ai cho chú tài hơn anh?”
(Dân trí) - Những kẻ bất tài không muốn người có tài ở bên mình bởi anh ta sẽ là tấm gương phản chiếu, làm “sáng tỏ” cái bất tài của họ. Tóm lại, ở đâu mà lãnh đạo bất tài thì nơi đó sẽ là bi kịch cho những tài năng đích thực.
Nếu không có gì thay đổi, còn khoảng hơn một năm nữa Đại hội Đảng XIII mới diễn ra. Tuy nhiên ngay từ bây giờ, việc chuẩn bị nhân sự đang “nóng” lên từng ngày. Điều này cho thấy tính quan trọng của công tác “then chốt của then chốt” - công tác cán bộ của nhiệm kỳ này.
Mới đây, ngày 15/8/2019, ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư thay mặt Ban Bí thư đã ký Kết luận của Ban Bí thư nhằm chuẩn bị tốt nhân sự đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội XIII của Đảng.
Ngay tại phần đầu, bản Kết luận đã viết: “Kiên quyết không đề xuất, quyết định những nhân sự không bảo đảm tiêu chuẩn về độ tuổi, uy tín...; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, mất đoàn kết, "cục bộ", "lợi ích nhóm"; thiếu gương mẫu, không sẵn sàng chấp hành sự phân công, điều động của cấp có thẩm quyền; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, gây thất thoát tiền bạc, tài sản của Nhà nước; phẩm chất, năng lực hạn chế, có biểu hiện "chạy chọt, vận động, tranh thủ lẫn nhau"; thiếu tích cực trong công tác, sợ trách nhiệm, "dĩ hòa vi quý"...”.
Thẳng thắn nhìn lại nhiệm kỳ gần đây, việc chuẩn bị nhân sự chưa đạt hiệu quả. Thật khó có thể nói thành công khi mà hàng loạt cán bộ cao cấp do Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý bị kỉ luật.
Trong đó, có cả những chức vụ rất cao và quan trọng như Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thử tướng hay Thứ trưởng các bộ Công an, Quốc phòng… Thậm chí, không ít người còn vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Hàng ngàn cán bộ các cấp vi phạm đạo đức, tác phong…
Song, ngoài những tiêu chuẩn về đạo đức, tác phong được nhấn mạnh thì một yếu tố rất quan trọng trong Kết luận, đó là “phẩm chất, năng lực hạn chế”.
Nhìn lại những vụ việc tiêu cực vừa qua, công bắng có những vụ việc vi phạm do phẩm chất đạo đức, do lòng tham nhưng cũng có những vi phạm do “phẩm chất, năng lực hạn chế” mà nói trắng ra, là sự yếu kém, dốt nát. Và ngay cả với những trường hợp không (hoặc chưa) vi phạm do yếu kém năng lực thì hậu quả nó để lại cũng rất lớn. Nhất là khi người đó lại nắm cương vị lãnh đạo.
Một ông sếp kém năng lực luôn mang nặng tư tưởng ghen ghét, kèn cựa, đố kị với tài năng.
Điều này cũng đương nhiên bởi kẻ bất tài làm sao hiểu nổi ý tưởng của người có tài? Thế nên họ, những lãnh đạo yếu kém tất nhiên sẽ không chấp nhận, thậm chí dèm pha, “cản mũi” tài năng là điều dễ hiểu.
Ngược lại, người có tài cũng không thể mãi cam chịu sự chỉ đạo bởi “năng lực hạn chế” nên sẽ tìm đường “cao chạy, xa bay”, “ba mươi sáu chước, chước chuồn là hơn”. Bi kịch thay, nếu có ai vì lý do nào đó phải ở lại thì hoặc là “ở ẩn”, hoặc là tự “ngu đi” để bảo toàn.
Mà những kẻ bất tài cũng không muốn người có tài ở bên mình bởi anh ta sẽ là tấm gương phản chiếu, làm “sáng tỏ” cái “năng lực hạn chế” của họ. Tóm lại, ở đâu mà lãnh đạo bất tài thì nơi đó sẽ là bi kịch cho những tài năng đích thực.
Trong lịch sử Việt Nam, đã có nhiều tấm gương về sự trọng dụng nhân tài nhưng cũng có một luật bất thành văn, “thông minh lấn chúa”. Kẻ nào dám khôn hơn sếp, chắc khó mà sống yên thân.
Lại có một sự thật tất yếu, đó là xưa nay dốt tức là người không biết mình dốt còn nếu biết, họ sẽ nỗ lực để ít nhất là trở thành người… không dốt.
Trong khi chỉ có người tài mới hiểu được người tài, dùng được người tài và ngược lại. Còn “năng lực hạn chế” thì không chỉ không hiểu nổi mà hoàn toàn có thể còn hãm hại nhân tài.
Mong sao Đại hội XIII lần này sẽ tìm được những lãnh đạo không chỉ có “tâm” mà còn phải có “tài” bởi ở thời buổi khoa học kỹ thuật hiện nay, không có tài không chỉ vô dụng mà còn gây khó khăn cho những tài năng phát triển.
Đất nước thành hay bại, đi lên hay dẫm chân tại chỗ, thậm chí thụt lùi cũng ở khâu then chốt này nên phải kiên quyết loại trừ những đối tượng “… không chịu nghiên cứu học hỏi, bảo thủ, trì trệ, làm việc kém hiệu quả, nói không đi đôi với làm…” ra khỏi đội ngũ lãnh đạo như lời Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng phát biểu tại hội nghị Trung ương lần thứ 11, khóa XI.
Cũng cần loại trừ tư tưởng nhỏ nhen, kèn cựa, ghen ghét “ai cho chú tài hơn anh” ra khỏi guồng máy lãnh đạo.
Bùi Hoàng Tám