Chúng ta có quyền lạc quan về một kỳ tích Việt Nam

Hoàng Lam

(Dân trí) - "Lẽ nào chúng ta không dám mơ, không dám tin rằng 25-30 năm nữa Việt Nam sẽ làm được những kỳ tích".

Chúng ta có quyền lạc quan về một kỳ tích Việt Nam - 1

Đó là khẳng định của ông Đỗ Cao Bảo - thành viên sáng lập Tập đoàn FPT trên Dân trí ngày 17.3 về mục tiêu Việt Nam thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. 

Thật ra, niềm tin này của ông Bảo là có cơ sở bởi cách đây ít lâu, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR), Anh đã công bố báo cáo thường niên về 193 nền kinh tế trên thế giới. Theo dự báo của CEBR, năm 2035, kinh tế Việt Nam sẽ có quy mô 1.539 tỷ USD, đứng thứ 19 thế giới và thứ 2 Đông Nam Á.

Dự báo này cũng khá tương đồng với mục tiêu mà Đại hội XIII của Đảng đề ra, đó là đến năm 2025, sẽ là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Ðến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Mục tiêu Đại hội XIII đặt ra và thông tin của CEBR đã làm nức lòng những người dân Việt Nam cùng với niềm tin vào kịch bản tăng trưởng mà Chính phủ đang điều hành. Chắc chắn, cơ quan này đã phải nghiên cứu rất kỹ về bước tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trong thời gian qua để có thể đưa ra dự báo như vậy.

Quả thật, đạt được kết quả dự báo này sẽ là kỳ tích, là bước đại nhảy vọt về kinh tế của quốc gia đã từng được xếp vào nhóm 20 nước nghèo nhất thế giới (năm 1995).  

Năm 2020, nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19, thậm chí, nhiều quốc gia có mức tăng trưởng âm thì Việt Nam đã vươn lên là một điểm sáng về phát triển kinh tế với GDP 2,91%. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, năm 2020, quy mô nền kinh tế nước ta đạt hơn 343 tỷ USD, vươn lên trở thành quốc gia có nền kinh tế lớn thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á.

Nếu như năm 1995, thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam mới chỉ 358,7 USD thì năm 2020, con số đó đã tăng gấp gần 10 lần. Chúng ta có quyền tự hào là một trong những quốc gia đầu tiên về đích trước mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về giảm nghèo.

Với những gì đã làm được trong những năm qua, chúng ta hoàn toàn có niềm tin rằng vào  khoảng năm 2035, Việt Nam sẽ chiếm lĩnh vị trí thứ 2 Đông Nam Á. Niềm tin của cộng đồng quốc tế và người dân trong nước đối với những mục tiêu tăng trưởng của Việt Nam đang được cải thiện và không ngừng nâng cao. Niềm tin ấy được xây dựng và củng cố bằng những thành tựu của 35 Đổi mới.

Từ một nền kinh tế lạc hậu, thấp kém, nay Việt Nam đã có 38 doanh nghiệp tỷ đô. Nhiều tập đoàn kinh tế lớn không chỉ ghi dấu ấn trong nước mà đã vươn ra đầu tư ở nước ngoài, đưa về hàng triệu, thậm chí hàng tỉ đô la mỗi năm.

Chúng ta có một nền chính trị ổn định với những quyết sách hiệu quả trong phát triển kinh tế. Chúng ta đã từng bước xây dựng và thay đổi vị thế từ "muốn làm bạn" đến "sẵn sàng làm bạn" với các nước. Với những nỗ lực mạnh mẽ trong cải cách hành chính, Việt Nam đã và đang là điểm đến và là đối tác tin cậy của nhiều nhà đầu tư quốc tế.

Dự báo lạc quan của CEBR đồng thời của là thách thức không nhỏ cho Việt Nam trên con đường trở thành một nước phát triển có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và thành nước phát triển có thu nhập cao vào thời điểm tròn 1 thế kỷ xây dựng nền độc lập.

Để tiệm cận được mục tiêu đó, chúng ta còn rất nhiều điều phải làm, nhiều vấn đề phải đối mặt và tháo gỡ.

Trở lại với niềm tin của ông Bảo, có thể nói với một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân… nhìn lại chặng đường 35 năm đổi mới và những kỳ tích trong phát triển kinh tế thời gian qua chúng ta có quyền lạc quan về một Việt Nam cất cánh trong tương lai không xa.