Chỗ ngồi tại tòa và chuyện chiếc bàn tròn tại Hội nghị Pari
(Dân trí) - “Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa vừa kiến nghị Ban soạn thảo dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) sửa đổi chỉnh sửa Điều 242 của dự thảo, quy định vị trí ngồi của kiểm sát viên phải ngang bằng với vị trí ngồi của luật sư”. Đó là thông tin được đăng trên báo Pháp luật TP. HCM ngày 3/3.
Theo Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa, dự thảo BLTTHS sửa đổi chưa ghi nhận kiến nghị của giới luật sư và một số tòa án các cấp về vị trí ngồi của kiểm sát viên và luật sư. Theo đó, vị trí ngồi của kiểm sát viên với người bào chữa vẫn thể hiện sự bất bình đẳng giữa các bên buộc tội và gỡ tội.
Cụ thể: Phía trên của phòng xử án gồm vị trí ngồi của Hội đồng xét xử (HĐXX), kiểm sát viên và thư ký tòa. HĐXX ngồi chính giữa; kiểm sát viên ngồi bên phải, thư ký ngồi bên trái HĐXX. Phía dưới của phòng xử án gồm vị trí ngồi của những người tham gia tố tụng và những người tham dự phiên tòa. Người bào chữa ngồi bên trái, người giám định và người phiên dịch ngồi bên phải HĐXX…
Quan điểm của đoàn Luật sư Khánh Hòa, hình thức thể hiện sự bất bình đẳng giữa các bên buộc tội và gỡ tội, dễ hiểu nhầm tòa án có chức năng buộc tội. Vì vậy, Đoàn Luật sư Khánh Hòa kiến nghị HĐXX cần được bố trí ở vị trí cao nhất, trang trọng nhất, còn kiểm sát viên, luật sư ở vị trí ngang nhau để vừa đảm bảo sự bình đẳng vừa đảm bảo vị thế của HĐXX - chủ thể duy nhất được quyền nhân danh Nhà nước thực hiện quyền tư pháp…
Đọc những thông tin trên, chợt nhớ lại cuộc bàn cãi “nảy lửa” xung quanh hình dáng chiếc bàn đàm phán tại Hội nghị Pari cách đây hơn 40 năm.
Báo Quân đội Nhân dân ngày 06/03/2015 bài “Những cuộc đấu trí ở Pa-ri” kể lại mới thấy rằng sự quan trọng của vị trí nơi ngồi quan trọng như thế nào:
“Tranh cãi đầu tiên xuất hiện lại là chuyện xung quanh việc chọn chiếc bàn có hình thù như thế nào để ngồi họp. Trước khi khởi động họp bốn bên, ta và Mỹ đã tranh cãi gay gắt hàng tháng trời về chuyện này. Chuyện tưởng nhỏ nhưng thực chất lại có ý nghĩa chính trị quan trọng đối với cả ta và Mỹ vì vị trí ngồi ra sao sẽ xác định tư cách pháp nhân của bên tham gia. Ta muốn đề cao vị thế của Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa miên Nam Việt Nam (CPCMLTCHMNVN) và muốn thể hiện rõ cuộc họp “bốn bên”. Nhưng Mỹ lại muốn phủ nhận và hạ thấp của vai trò của CPCMLTCHMNVN và thể hiện cuộc họp “hai bên”. Ta đề nghị chiếc bàn hình vuông hoặc hình tròn để thể hiện họp “bốn bên”, còn Mỹ đưa ra một số kiểu bàn khác nhau như bàn hình chữ nhật, hình vòng cung chia đôi…, kiểu nào cũng chỉ nhằm để thể hiện cuộc đàm phán chỉ có hai bên. Một bên là Mỹ và chính quyền Sài Gòn, còn một bên là Việt Nam dân chủ công hòa (VNDCCH) và CPCMLTCHMNVN. Mỹ còn có “sáng kiến” là dùng một miếng vải màu đỏ vắt ngang chia chiếc bàn tròn làm hai phần.
Tranh cãi quanh cái bàn ngồi họp đã gây không ít chú ý của dư luận lúc bấy giờ. Tới mức các hãng làm đồ mộc nổi tiếng thế giới khi ấy đã gửi nhiều mẫu bàn tới chào hàng để các bên cùng chọn. Cuối cùng, hai bên quyết định chọn cái bàn tròn bằng phẳng lớn và kê hai bàn thư ký ở hai bên. Không có cờ và biển ghi tên trước mặt các đoàn. Bố trí kiểu “nước đôi” như vậy để dư luận quốc tế hiểu đây là đàm phán “hai bên” cũng được mà “bốn bên” cũng được”.
Ghi lại câu chuyện trên không phải để so sánh bởi sự so sánh nào cũng khập khiễng mà chỉ muốn nói lên một điều, cái vị thế ngồi rất quan trọng ở bất cứ nơi nào và dù ở ta hay ở Tây.
Trở lại với vị trí của của những người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng trong phiên tòa, nhiều luật sư bày tỏ sự đồng tình với kiến nghị của Đoàn luật sư Khánh Hòa.
Theo Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Lê Thúc Anh, chỗ ngồi của kiểm sát viên và luật sư hết sức quan trọng vì thể hiện sự bình đẳng giữa bên buộc tội và bên gỡ tội, đồng thời làm nổi bật vị trí trung tâm của HĐXX.
Việc bố trí chỗ ngồi của LS (người bào chữa) chưa thống nhất và đặt phía dưới chỗ ngồi của KSV đã không thể hiện được vai trò của bên gỡ tội, đối trọng với KSV là bên buộc tội. Dù chỉ là hình thức nhưng điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đối với địa vị pháp lý của LS trong tố tụng.
“Với cách bố trí chỗ ngồi hiện nay, tôi cho rằng chưa phù hợp với yêu cầu Cải cách tư pháp (CCTP) đã đặt ra… do chỗ ngồi của LS được đặt phía dưới chỗ ngồi của KSV nên mới chỉ nhìn vào đã thấy sự bất bình đẳng giữa hai bên”. Ông Anh nói.
Theo Thẩm phán Phạm Công Hùng, “việc dự thảo BLTTHS (sửa đổi) vẫn quy định vị trí chỗ ngồi của kiểm sát viên cao hơn luật sư là một thiếu sót. Chỗ ngồi của các bên dù chỉ là hình thức nhưng lại liên quan đến nguyên tắc tranh tụng tại phiên tòa hình sự”.
Về quan điểm cá nhân, mình ủng hộ tuyệt đối kiến nghị của Đoàn Luật sư Khánh Hòa, không biết ý kiến các bạn thế nào?
Bùi Hoàng Tám.
LOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.
Cám ơn các bạn!