Câu chuyện về chiếc áo mưa 1 triệu đồng

(Dân trí) - Cuối tuần trước, độc giả Dân trí lại được chứng kiến một câu chuyện, nghe có vẻ nhỏ thôi: Chuyện Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình đề xuất mua 300 bộ áo mưa mỗi chiếc giá 1 triệu đồng. Nhưng đó thực sự là một câu chuyện khá điển hình về mua sắm công.

Câu chuyện về chiếc áo mưa 1 triệu đồng - 1

Như Dân trí đã đưa tin, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Thái Bình đã có đề xuất UBND tỉnh này cấp 300 triệu đồng để mua 300 chiếc áo mưa phục vụ công việc năm 2018, tương ứng mức giá 1 triệu đồng/chiếc.

Trên thực tế, không phải là không có những chiếc áo mưa lên tới 1 triệu đồng/chiếc nhưng đó là những loại áo đặc chủng hoặc hàng hiệu mà hầu như không có địa phương nào mua để phục vụ công việc đi lại phòng chống thiên tai. Và loại áo mưa này cũng không dễ tìm mua được.

Nhưng qua kiểm tra, đối chiếu thì loại áo mưa mà Ban chỉ huy PCTT &TKCN tỉnh Thái Bình đề xuất chỉ là loại áo mưa thường, thậm chí không có nhãn mác thì giá của chúng cũng không thể có mức "trên trời" như vậy được.

Thực tế, trên các địa chỉ bán hàng áo mưa kiểu choàng lẫn bộ mặc với quần áo riêng mà lãnh đạo cũng như cán bộ thường sử dụng khi thực hiện công tác phòng chống thiên tai chỉ có mức giá dao động từ 80.000 - 260.000 đồng/bộ, chưa thấy có đơn vị nào bán bộ áo mưa có giá 1 triệu đồng/bộ.

Chính vì đề xuất bất hợp lý trên, lãnh đạo UBND tỉnh Thái Bình cho biết ngày 29/5 lãnh đạo UBND tỉnh này đã ký văn bản yêu cầu tạm dừng các việc chi từ Quỹ phòng chống thiên tai của tỉnh cho một số khoản chi mới được đề xuất trong đó có đề nghị chi mua áo mưa như trên để dành kinh phí dự phòng cho các việc cấp bách phát sinh năm 2018.

Cho dù sự việc đã được xử lý tốt nhưng người dân vẫn không khỏi bất bình khi biết có câu chuyện như trên và nhất là việc khi một số phóng viên báo chí đến liên hệ với Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn của tỉnh- nơi ông Phạm Văn Dụng, Giám đốc Sở này kiêm Phó ban chỉ đạo PCTT&TKCN tỉnh là người ký văn bản trên đã bị hành hung, đe dọa tính mạng.

Vụ việc tuy nhỏ nhưng đây là một câu chuyện khá điển hình cho câu chuyện mua sắm công ở nhiều địa phương, khi mức đề xuất mua sắm: Ô tô công, trang thiết bị văn phòng, đồ dùng làm việc... luôn cao hơn giá thực tế thị trường. Và không phải không có nơi này nơi kia đã chấp nhận chi những khoản có giá cao gấp nhiều lần giá trị thực tế của mặt hàng được đề xuất mua sắm.

Để khắc phục tình trạng chi mua sắm công bất hợp lý, Nhà nước đã có những quy định khá chặt chẽ về tiêu chuẩn, định mức, cách thức mua hàng hóa, dịch vụ của các cơ quan hành chính các cấp, doanh nghiệp nhà nước. Trong đó đáng chú ý là quy định về đấu thầu trong mua sắm công. Theo đó Luật Đấu thầu quy định có những khoản mua sắm trên 500 ngàn đồng thôi cũng đã phải tổ chức đấu giá, đấu thầu.

Số hàng áo mưa mà Ban chỉ huy PCTN&TKCN Thái Bình đề xuất mua tuy không phải lớn nhưng cũng đã đến mức 300 triệu đồng, hoàn toàn phải tổ chức đấu thầu, đấu giá. Nếu công khai tổ chức đấu giá mua gói sản phẩm trên, chắc chắn sẽ có nhiều doanh nghiệp, đơn vị chào giá thấp hơn với mức giá mà cơ quan này đề nghị nhiều lần.

Sự việc trên được phát hiện và ngăn chặn là có sự giám sát của báo chí, cộng đồng- cũng là một cách giám sát hiệu quả với việc chi tiêu công ở địa phương. Nhưng kể cả khi việc giám sát chưa đầy đủ, nếu chính quyền địa phương thực hiện đầy đủ, nghiêm túc quy định hiện hành của nhà nước thì những đề xuất như kiểu của Ban chỉ huy PCTN&TKCN mua áo mưa tới 1 triệu đồng/chiếc sẽ không có cơ sở được duyệt chi.

Mạnh Quân