Bộ trưởng “lội ruộng” và “kỳ tích” có lặp lại?
(Dân trí) - Chuyện Bộ trưởng “lội ruộng” gần đây không còn là sự lạ và với ông Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường thì càng không lạ bởi từ lâu, ông là người sâu sát với công việc.
Tuy nhiên, thông tin vào những ngày cuối năm giá rét, hình ảnh ông vị tư lệnh ngành xuống tận ruộng cùng bà con nông dân xem xét từng gốc mạ thì không khỏi vui mừng và hi vọng.
Vui mừng, hi vọng bởi việc “lội ruộng” không chỉ là việc làm sâu sát mà hơn cả, là tinh thần sẻ chia khó khăn và thấu hiểu sự gian nan của người lao động.
Thật tình, việc lãnh đạo chịu khó xuống cơ sở nhìn ở góc độ nào đó, chưa chắc đã phải là điều hay bởi tài năng của lãnh đạo là ở đường hướng, chiến lược. Nếu như quá tập trung vào những vụ việc cụ thể, e rằng sẽ sao lãng những vấn đề lớn.
Song, rất mừng là với Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, ông luôn biết đi bằng hai chân: Cụ thể và chiến lược.
Chính điều đó là một trong những nguyên nhân đã tạo nên “kỳ tích” của ngành Nông nghiêp và Phát triển Nông thôn năm 2017 vừa qua.
Trả lời phỏng vấn báo Dân trí, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã dành nhiều lời khen ngợi: “Ngành nông nghiệp cũng có những đóng góp hết sức quan trọng, thể hiện qua những kết quả nổi bật như: Cơ cấu lại nông nghiệp và chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với ứng dụng khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ cao đã đem lại kết quả tích cực, rõ nét.
Ngành nông nghiệp có mức tăng GDP đạt 2,9%, cao gấp 2,13 lần tốc độ tăng trưởng năm 2016 và đóng góp 0,44 điểm phần trăm vào mức tăng GDP toàn nền kinh tế và là năm đạt mức tăng trưởng cao nhất trong 3 năm gần đây. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản năm 2017 đạt mức kỷ lục, trên 36 tỷ USD, tăng 13% so với năm 2016; thặng dư thương mại toàn ngành đạt 8,55 tỷ USD, tăng 14% so với năm 2016.
Trong số 10 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, đã có 5 mặt hàng đạt trên 3 tỷ USD (tôm, trái cây, hạt điều, cà phê và đồ gỗ). Lần đầu tiên, kim ngạch xuất khẩu rau, quả đã vượt xuất khẩu dầu thô và lúa gạo.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, sâu rộng, thu hút nguồn lực và sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, người dân và cả các tổ chức quốc tế, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra. Lực lượng doanh nghiệp nông nghiệp ngày càng lớn mạnh, đang trở thành nòng cốt trong chuỗi giá trị nông sản…”. Ông Huệ nói.
Công bằng, những thành tích to lớn này là công sức của nông dân cả nước, song không thể không kể đến những đóng góp của ngành NN&PTNT, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu. Đó là người không chỉ có chiến lược phát triển cho tương lai mà còn phải có sự sâu sát, sẻ chia và thấu hiểu.
Mong rằng năm 2018, “kỳ tích” sẽ lặp lại và các vị Tư lệnh ngành cũng như những người đứng đầu các địa phương vừa sâu sát, “lội ruộng” vừa có những chiến lược phát triển dài hạn để kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển, mục tiêu “hóa rồng” sẽ sớm trở thành hiện thực.
Xin đừng “chọc ba toong” xuống nước rồi kêu… lạnh quá!
Bùi Hoàng Tám