Bộ đội chiến đấu và cống hiến ở thời bình
(Dân trí) - "Bộ đội thời bình thì làm gì?", đây là câu hỏi mà tôi thường xuyên nhận được khi chồng mình là một sĩ quan quân đội, phải thường xuyên công tác xa nhà.
Câu trả lời khá đơn giản: Nhiệm vụ của bộ đội trong thời bình chủ yếu là đảm bảo công tác huấn luyện, "sẵn sàng chiến đấu". Tuy nhiên, ngay cả trong thời bình, cũng có những thời điểm chúng ta phải trải qua trạng thái "bất bình thường" như thiên tai, bão lũ, dịch bệnh… và khi đó, luôn bên cạnh nhân dân chính là màu áo người lính bộ đội Cụ Hồ.
Hồi đầu năm nay, tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới do Bộ Quốc phòng tổ chức, Thượng tướng Trần Đơn đã nhấn mạnh: "Cần kích hoạt lại toàn bộ hệ thống phòng chống dịch trong toàn quân, triển khai nhanh, bảo đảm ứng phó với mọi tình huống, kể cả cấp độ cao nhất. Đưa các đơn vị quân đội vào trạng thái như thời chiến, nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phòng chống dịch".
Toàn quân đội lúc này được yêu cầu phải dốc sức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 "vì sức khỏe, vì sự bình an cho nhân dân".
Thời điểm đó, dịch đang "bùng" tại Hải Dương và dần lây lan ở một số địa phương khác như Quảng Ninh, Bắc Ninh… Cùng với Chỉ thị số 42 của Bộ Quốc phòng, Cục Quân y cũng có công điện, văn bản chỉ đạo các đơn vị trong toàn quân tiến hành truy vết các trường hợp liên quan đến 2 ổ dịch tại Quảng Ninh và Hải Dương.
Đến nay, dịch đã "loang" ra nhiều tỉnh thành trên cả nước với tốc độ lây lan nhanh và mức độ nguy hiểm cũng tăng lên. Quân đội là một trong những lực lượng quan trọng trên tuyến đầu chống dịch.
Hàng nghìn tổ chốt chặn với hàng vạn quân được điều động kiểm soát các tuyến biên giới đường bộ và đường biển. Tại các vùng có dịch, lực lượng bộ đội hóa học, quân y các đơn vị tổ chức phun khử trùng; điều động, tăng cường cán bộ, chiến sĩ phối hợp với các lực lượng địa phương, hỗ trợ các đơn vị y tế trong công tác xét nghiệm, cách ly…
Trong đó, tổ chức các khu cách ly tập trung luôn là một bài toán phức tạp. Số lượng người nhiễm virus SARS-CoV-2 tăng lên cũng đồng nghĩa với số trường hợp phải cách ly y tế tăng đột biến.
Làm thế nào để bảo đảm cách ly số lượng người rất lớn đó với hàng chục nghìn F1, F2; phải chăm sóc công dân thế nào để vừa đảm bảo sinh hoạt thoải mái nhất có thể và không để xảy ra lây nhiễm chéo?...
Để giải bài toán đó, không chỉ tinh thần xông pha, chấp nhận rủi ro trước dịch bệnh mà còn cần cả tinh thần tận tâm phục vụ nhân dân, "trọng dân, vì dân, hiếu với dân", "nhường cơm sẻ áo", giành lấy khó khăn, vất vả về mình.
Ít ngày trước, nhiều tờ báo cho biết, các cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 18, Sư đoàn 325 đã lên rừng dựng doanh trại dã chiến, nhường đơn vị khang trang tại huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) cho người dân làm khu cách ly tập trung.
Nhìn những hình ảnh về nơi ăn, nơi ở của các anh, hẳn có lẽ nhiều người không khỏi rơi nước mắt. Thế nhưng, tinh thần người lính vẫn lạc quan dù bất cứ hoàn cảnh nào, họ vẫn duy trì nề nếp sinh hoạt, học tập, rèn luyện.
Và tôi tin rằng, có rất nhiều nỗi gian lao, vất vả của người lính ở những đơn vị khác, họ vẫn lặng lẽ, âm thầm như một điều tất yếu, như sứ mệnh, nhiệm vụ thiêng liêng mà đất nước đã đặt lên vai họ.
"Tất cả vì sức khỏe và tính mạng của nhân dân", những chiến sĩ Quân đội Nhân dân chấp nhận mọi gian khổ, hi sinh để cùng toàn dân quyết tâm chiến thắng dịch bệnh.
Có lẽ, chính vào những thời điểm như thế này, nhiều người trong chúng ta đã hiểu nhiệm vụ "chiến đấu" và "sẵn sàng chiến đấu" của quân đội ở thời bình là gì, để yêu quý hơn, trân trọng hơn sự bình thường đang có, cố gắng bảo vệ những thành quả đạt được trước khi chấm dứt được hoàn toàn cuộc chiến cam go này.