“Bình đẳng” không có nghĩa là… “cá mè một lứa”!

(Dân trí) - “Bình đẳng” ở đây có lẽ nên hiểu “đẳng nào bằng với đẳng đó” chứ không phải thầy trò lẫn lộn, kiểu “cá mè một lứa”. Nhà bác học Lê Quý Đôn đã từng chỉ ra 5 nguy cơ mất nước, trong đó nguyên nhân thứ hai là “Trò không trọng thày”....

“Bình đẳng” không có nghĩa là… “cá mè một lứa”! - 1

Dự thảo Nghị định “Xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục” vừa được Bộ Giáo dục & Đào tạo đưa ra lấy ý kiến đã vấp phải sự phản ứng khá mạnh mẽ từ dư luận.

Rất nhiều ý kiến từ những người trực tiếp nằm trong diện điều chỉnh là các thày, cô giáo đến các nhà chuyên môn, luật sư, cựu đại biểu Quốc hội… đều bày tỏ sự không đồng tình với qui định của Điều 32 – Vi phạm quy định về xúc phạm nhân phẩm, danh dự người học:

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự người học.2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi xâm phạm thân thể người học.3. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc xin lỗi công khai đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này.

Trên báo chí, PGS.TS Bùi Thị An - nguyên Đại biểu Quốc hội của TP Hà Nội bày tỏ: “Thực tế hiện nay cũng có không ít giáo viên rất tâm huyết với nghề, chuyên môn vững vàng và vì học sinh. Nhưng chỉ trong một khoảnh khắc bột phát trong giờ học khi học sinh hư, giáo viên không kìm được cảm xúc mà có những lời nói nặng hay phạt nặng học trò thì nên xử lý như thế nào?”. Bà An đặt câu hỏi.

Trên báo Lao động, ông Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Lê Quý Đôn bày tỏ: “Quan điểm của tôi là một khi có ai vi phạm thì đầu tiên phải dùng biện pháp giáo dục. Nếu giáo dục lần thứ nhất, thứ hai không thay đổi thì tính bước tiếp theo.

Trong lĩnh vực giáo dục, do tính chất đặc thù, nhiều mối quan hệ trong nhà trường được điều chỉnh bởi quan hệ đạo đức. Những vấn đề đạo đức được cân đo bằng tiền có thể làm hình thành suy nghĩ cứ vi phạm thì nộp tiền là xong. Điều này sẽ là nguy hiểm với môi trường đặc thù như giáo dục”.

Trên Dân trí, LS Đặng Văn Cường – Văn phòng luật sư Chính Pháp (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục có rất nhiều nội dung chưa phù hợp như đã 'hành chính hóa' các giá trị đạo đức. Một số hành vi nên để đạo đức điều chỉnh hoặc áp dụng xử lý bằng kỷ luật công chức, viên chức.

Theo người viết bài này, những ý kiến trên rất đáng để Bộ GD&ĐT chú ý lắng nghe, sửa đổi trước khi chính thức ban hành bởi đây là những ý kiến có tình, có lý và có tính kế thừa truyền thống văn hóa, đạo lý của người Việt Nam. Không nên và không được “hành chính hóa các giá trị đạo đức”.

Về quan hệ thầy trò, nhìn ở góc độ nào đó trong nền kinh tế thị trường, nó là “bài toán cung – cầu”, song với truyền thống đạo lý dân tộc, người thầy không và ngàn lần không phải là người “bán chữ”.

Họ đã, đang và mãi mãi được kính trọng dù bất cứ thời nào bởi họ không chỉ chuyển tải kiến thức mà còn truyền tải lý tưởng, ước mơ, nhân cách…

Trong lịch sử, Nhà bác học Lê Quý Đôn đã từng chỉ ra 5 nguy cơ mất nước, trong đó nguyên nhân thứ hai là “Trò không trọng thày”.

Cũng không nên hiểu đảm bảo tính “bình đẳng thô thiển” như trả lời báo chí của ông Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục Nguyễn Hữu Bình trên báo Nhân dân: “Các quy định này hướng tới bảo vệ cả người học và nhà giáo; đồng thời bảo đảm các cá nhân có hành vi vi phạm đều bị xử lý bình đẳng như nhau”.

“Bình đẳng” ở đây có lẽ nên hiểu “đẳng nào bằng với đẳng đó” chứ không phải thầy trò lẫn lộn, kiểu “cá mè một lứa”.

Nhớ lại ngày bé, người viết bài này đọc ở đâu đó chuyện một anh chàng ngốc suốt ngày bị mẹ và vợ ráy rỉa. Mẹ thì bảo anh ta bênh vợ, vợ thì bảo anh ta bênh mẹ.

Hôm ấy, mẹ chồng con dâu cãi nhau ngoài sân, anh ta từ trong nhà uỳnh uỵch chạy tới tát vào mặt vợ một cái và… làm hành vi tương tự với mẹ để “cho khỏi bảo tôi bênh”…

Bùi Hoàng Tám