"Bài toán con nhà nghèo" buộc phải làm trước khi TPHCM mở cửa

(Dân trí) - Đó là bài toán mà chúng ta buộc phải làm để có được đáp án gần đúng nhất với nguồn lực về vắc xin và điều trị mà chúng ta đang có, để theo đuổi mục tiêu "thích ứng an toàn" với Covid-19 lúc này.

Đến nay, 100% các tỉnh thành trên cả nước không đáp ứng được tiêu chí về tỷ lệ vắc xin mũi 2 cho người trên 50 tuổi để quay lại "bình thường mới" theo tiêu chí trong bản dự thảo "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19". Nhưng không phải là không có cách nếu chúng ta phân bổ vắc xin một cách hợp lý hơn và tập trung cho các vùng kinh tế trọng điểm.

Ngày 25/9, trong cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã đưa ra 3 chỉ số bắt buộc để các địa phương có thể quay trở lại bình thường mới. Chỉ số đầu tiên và tiên quyết nhất là các địa phương phải đạt được tỷ lệ 80% người trên 50 tuổi được tiêm đủ 2 mũi vắc xin.

Một ngày sau, Chủ tịch TPHCM Phan Văn Mãi đề nghị Thủ tướng cho áp dụng quy định riêng về mở cửa nền kinh tế, đồng thời đề nghị Chính phủ ưu tiên vắc xin cho TPHCM và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.

Tôi rất hiểu và chia sẻ với lo lắng của Chủ tịch TPHCM. Nếu áp dụng theo dự thảo cũ, TPHCM đã đạt được điều kiện mở cửa khi 70% dân số trên 18 tuổi được tiêm mũi 1. Nhưng nếu dựa theo tiêu chí  gần nhất mà Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 vừa đưa ra, TPHCM không thể mở cửa sau ngày 1/10. Trong khi việc nới lỏng để phục hồi kinh tế là nhu cầu cấp thiết và đã đạt được sự đồng thuận ở các cấp từ Trung ương đến địa phương. Và như diễn biến của những ngày gần đây, thì việc TPHCM nới lỏng giãn cách từ 1/10 là điều chắc chắn. Đây là vướng mắc lớn nhất không chỉ của TPHCM mà của tất cả các địa phương khác hiện nay.

Chiến lược tiêm chủng của Việt Nam khác với phần lớn các quốc gia trên thế giới. Trong khi ở các nước (ví dụ như ở Anh), trừ nhân viên y tế là nhóm ưu tiên bắt buộc, thì thứ tự ưu tiên tiêm vắc xin chỉ dựa vào nhóm tuổi từ cao tới thấp.

Ở Việt Nam thời gian qua, nhiều tỉnh thành đều tiêm vắc xin dàn trải cho toàn bộ dân số trên 18 tuổi và ưu tiên cho các nhóm ngành nghề trước khi ưu tiên cho người cao tuổi. Đó chính là lý do, đến thời điểm này, mặc dù đã có một số địa phương đạt tỷ lệ tiêm 100% mũi một cho người trên 18 tuổi, nhưng lại chưa có địa phương nào đạt được tỷ lệ phủ vắc xin đủ hai mũi cho 80% dân số trên 50 tuổi.

Nhưng trong quá trình góp ý cho Bộ Y tế xây dựng dự thảo "Thích ức an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19", tôi là một trong những chuyên gia ủng hộ tích cực cho việc đưa tiêu chí 80% người trên 50 tuổi được tiêm hai mũi vắc xin vào bản dự thảo. Dù tôi biết rằng, ở thời điểm này, không có bất cứ tỉnh thành nào đáp ứng được tiêu chí này. Dĩ nhiên tôi ủng hộ việc nới lỏng để khôi phục kinh tế sau một thời gian rất dài chúng ta thực hiện các biện pháp phong tỏa ngặt nghèo. Nhưng quan điểm của tôi là muốn theo đuổi các mục tiêu kinh tế trong bối cảnh phải sống chung với Covid-19, chúng ta phải có ít nhất một tấm lá chắn nào đó. Và tấm lá chắn đó là việc tiêm vắc xin để bảo vệ cho người trên 50 tuổi - nhóm tuổi chiếm tỷ lệ tử vong cao do Covid-19 ở Việt Nam hiện nay.

Phải làm gì khi không thể bỏ tiêu chí này, nhưng cũng không thể kéo dài phong tỏa hơn nữa? Tôi xin được "hiến kế" cho các địa phương giải bài toán này.

Hiện nay, toàn quốc có hơn 22 triệu người trên 50 tuổi, nên ước tính chúng ta cần 45 triệu liều vắc xin để đảm bảo cho nhóm này. Sẽ là hoàn hảo nhất nếu chúng ta có thể tiêm vắc xin cho toàn bộ người trên 50 tuổi ở toàn quốc. Nhưng thực tế, đó là bài toán chưa có lời giải của chúng ta lúc này.

Thi thoảng tôi lại thấy báo chí đưa tin những lô vắc xin với số lượng 20-30 triệu liều sẽ về Việt Nam trong thời gian tới mà chờ mãi chưa thấy đâu, nên quan điểm của tôi là không thể "đếm cua trong lỗ" được. Trong bối cảnh vắc xin về Việt Nam rất nhỏ giọt như hiện nay, muốn vừa bảo vệ được tính mạng người dân, vừa mở cửa, phục hồi kinh tế, thì việc tính toán phân bổ vắc xin như thế nào để "khéo ăn thì no, khéo co thì ấm" là quan trọng nhất.

Giải pháp tốt nhất trong bối cảnh nguồn lực vắc xin eo hẹp như hiện nay chính là phân bổ theo các vùng kinh tế trọng điểm, nơi mà các hoạt động thông thương và giao lưu, đi lại giữa các địa phương nhộn nhịp nhất, cũng là nơi có nguy cơ lây lan dịch mạnh nhất.

Theo ước tính của tôi (dựa trên số liệu tỷ lệ bao phủ vắc xin ở các địa phương), hiện nay, khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam - khu vực đóng góp 45% GDP của cả nước (TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Bình Phước, Tây Ninh, Tiền Giang) còn cần 4,3 triệu liều vắc xin để đạt được tiêu chí tiêm đủ 2 mũi cho 80% dân số trên 50 tuổi.  Nên chỉ cần 4,3 triệu liều vắc xin nữa, thì rủi ro cho khu vực chiếm đến gần một nửa GDP của cả nước đã giảm đi rất nhiều.

Để làm được điều này, ngoài việc Bộ Y tế phân bổ đủ 4,3 triệu liều vắc xin cho khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, thì các địa phương nằm trong khu vực này phải quán triệt quan điểm rất rõ ràng, dồn toàn bộ vắc xin được phân bổ trong những ngày tới để tiêm mũi 2 cho người già trước.

600.000 liều vắc xin về TPHCM gần đây nhất đã được thành phố tập trung toàn bộ để tiêm cho người trên 50 tuổi, chính là hướng đi đúng đắn mà TPHCM và các địa phương trong Khu vực Kinh tế trọng điểm phía Nam nên làm để vừa bảo vệ mình, vừa mở cửa kinh tế.

Các khu vực cần ưu tiên tiếp theo sẽ là Đồng bằng sông Cửu Long (với 6,3 triệu liều vắc xin cần thêm để tiêm cho nhóm dân số trên 50 tuổi); Khu vực Kinh tế trọng điểm phía Bắc (với 4,5 triệu liều cần thêm cho khu vực chiếm 32% GDP của cả nước).

Tôi đề xuất ưu tiên cho Đồng bằng sông Cửu Long trước, vì khu vực này đang có diễn biến dịch phức tạp, trong khi các tỉnh phía Bắc, công tác chống dịch đang được triển khai tương đối tốt. Để bảo vệ người dân ở các địa phương khác - nơi chưa đủ vắc xin để tiêm cho nhóm tuổi 50 trở lên, người dân ở các khu vực nguy cơ cao sẽ cần được làm xét nghiệm, trước khi đến các địa phương này.

Ở góc nhìn của một người trong ngành y như tôi, tất cả người dân cần được bảo vệ một cách công bằng, không phân biệt vùng miền, không phân biệt giàu nghèo. Không phải người cao tuổi ở TPHCM thì có quyền tiêm vắc xin sớm hơn và chịu ít rủi ro hơn người già ở Lai Châu. Sẽ là hoàn hảo nhất nếu chúng ta có đủ vắc xin tiêm cho tất cả người dân trong thời gian tới và không phải đưa ra lựa chọn nên ưu tiên cho vùng này hay vùng khác.

Nên tôi gọi đây là "bài toán con nhà nghèo", bài toán mà chúng ta buộc phải làm để có được đáp án gần đúng nhất với nguồn lực về vắc xin và điều trị mà chúng ta đang có, để theo đuổi mục tiêu "thích ứng an toàn" với Covid-19 lúc này.

Tiến sĩ Nguyễn Thu Anh

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thu Anh là Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock tại Việt Nam, trưởng nhóm F5. Nhóm này gồm các chuyên gia đa ngành tập hợp thông tin có bằng chứng khoa học về Covid-19, nhằm đưa ra các khuyến cáo phòng chống dịch.