Bác Bộ nói thế, anh em chúng tôi… “ngại chết đi được”!
(Dân trí) - Xin “tiết lộ” ngay, bác Bộ ở đây là ông Nguyễn Mai Bộ, Uy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh Quốc hội. Tại phiên họp toàn thể lần thứ 7 của Ủy ban Tư pháp diễn ra chiều 5/9 cho ý kiến về báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017, ông Bộ đã so sánh đội quân chống tham nhũng với một bài báo, một phóng viên.
Nguyên văn câu nói được báo Pháp luật TP HCM trong bài “Nói thẳng sự thật mới chống được tham nhũng” ngày 5/9 ghi lại như sau: “Chúng ta đi thanh tra, kiểm tra ở đâu cũng quân hùng tướng mạnh, có ô tô, còi hú nhưng có hiệu quả bằng một bài báo, một phóng viên không? Ta phải so sánh như thế về tính hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng”.
Nghe câu nói của bác Bộ, có lẽ cũng có đôi chút… phổng mũi. Nhưng rồi ngẫm lại, hình như bác hơi “quá khen” thôi bởi báo chí, cũng còn nhiều hạn chế lắm.
Song, cũng công bằng là thời gian qua, báo chí đã có nhiều nỗ lực trong mặt trận cam go này.
Theo báo Nhà báo & Công luận, tại phiên họp thứ 12, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng ngày 31/7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng chủ trì đánh giá:
Công tác thông tin tuyên truyền có vai trò rất quan trọng, đóng góp rất lớn vào cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng; cần tăng cường cung cấp thông tin cho báo chí, bảo đảm tính công khai và phát huy vai trò của báo chí tham gia giám sát. Báo chí là “thanh bảo kiếm” để chữa lành những vết thương.
Tuy nhiên, báo chí cũng cần thông tin đúng, chuẩn xác, góp phần thúc đẩy công tác phòng chống tham nhũng; đồng thời đấu tranh phản bác những thông tin sai lệch, xuyên tạc, bịa đặt. Sắp tới, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng phải tiếp tục được tăng cường, quyết liệt hơn, hiệu quả cao hơn, không có trở ngại nào, sức ép nào - Bài báo viết.
Đây không chỉ là những đánh giá chính xác mà còn là niềm tin, là nhiệm vụ mà Tổng Bí thư gửi đến báo giới.
Cũng tại phiên họp này, ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam có đề xuất:
“Phải có giải pháp để nhà báo chống tham nhũng gặp nhiều cản trở có chỗ dựa vững chắc để luôn giữ được tinh thần chiến đấu. Khi báo chí lên tiếng thì những đơn vị như Ban Nội chính Trung ương, Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương quan tâm xử lý mới có kết quả”.
Đây cũng là những kiến nghị rất đáng quan tâm bởi thực ra, báo chí chỉ có thể phản ánh sự việc, còn xử lý sự việc đó như thế nào, đến đâu thì phụ thuộc vào các cơ quan chức năng.
Mặt khác, nhà báo hiện nay cũng có nhiều hạn chế. Ví như họ không được đào tạo sâu về công tác điều tra, trinh sát, không có vũ khí gì ngoài ngòi bút và cũng không có quyền lực gì ngoài nói lên sự thật. Họ cũng gặp rất nhiều cạm bẫy và luôn phải đối mặt với những cám dỗ…
Vì thế, họ rất cần có sự “chống lưng” của các cơ quan chức năng như ông Lợi nói ở trên, đặc biệt là sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân.
Trở lại với sự so sánh của bác Bộ, xin để nhân dân và các bác trong Quốc hội đánh giá. Còn chúng tôi, những người làm báo, được khen thế, ai chả thích nhưng cũng… “ngại chết đi được” bởi tiêu cực, tham nhũng còn nhiều mà báo chí, đã phản ánh được đáng bao nhiêu?
Thôi thì đành tự nhủ, hãy cố gắng làm hết sức mình!
Bùi Hoàng Tám