Ai là "ông bố đẻ vô cảm"?

(Dân trí) - Khủng hoảng đang diễn ra ở khối trường cao đẳng, đại học ngoài công lập là hậu quả tất yếu của một giai đoạn phát triển đại học bất chấp mọi cảnh báo và dự báo.

 

 

(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

 

 
Nếu như trong lĩnh vực kinh tế, quả bong bóng chứng khoáng và bất động sản được thổi căng đến mức vỡ toang thì sự bùng nổ trong phát triển đại học tràn lan cũng tương tự.

 

Khi khủng hoảng đến mức trầm trọng - sự thất bại thảm hại trong mùa tuyển sinh đối với các trường đại học ngoài công lập vừa qua là một minh chứng – bắt buộc các phía phải đối diện với thực tế.

 

Ở đây bắt đầu có những xung đột và các phía có những lời chỉ trích hoặc đổ lỗi cho nhau. Phía cộng đồng cũng lên tiếng vì giáo dục đại học là lĩnh vực cả xã hội luôn đặc biệt quan tâm. Và không ít ý kiến cho rằng, do chất lượng của trường ngoài công lập thấp cho nên không có người học. Các trường mở ra vì mục dích kinh doanh và cuộc sàng lọc nghiệt ngã của thị trường giáo dục buộc phải loại trừ những đối thủ yếu kém. Về lý luận cũng như thực tiễn, nhận định này không sai.

 

Về phía bộ chủ quản, tuy chưa có ai chính thức phát ngôn về vấn đề này, nhất là sau những tiếng nói bức xúc từ phía Hiệp hội các trường ngoài công lập nhưng chắc chắn sẽ không có ai đứng ra chịu trách nhiệm là “ông bố đẻ vô cảm” của các trường ngoài công lập cả.

 

Bên cạnh đó, cũng có những phân tích bình tĩnh và khách quan hơn, cho rằng không phải trường ngoài công lập nào cũng kém, nhưng Bộ GD&ĐT không có chính sách phù hợp, thích hợp để hỗ trợ cho nhóm trường này phát triển. Mặc dù công hay tư, thì cả hai đều thực hiện nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội như nhau, nhưng trên thực tế đã có sự phân biệt đối xử con ruột và con nuôi. Chưa kể, có địa phương thẳng thừng thông báo không tuyển dụng cán bộ viên chức tốt nghiệp đại học ngoài công lập. Điều này không chỉ gây sốc cho những sinh viên đang học ở các trường ngoài công lập mà là một đòn bồi đánh gục một hệ thống trường đại học đang trong tình trạng suy vi.

 

Với những yếu kém, tai tiếng của một số trường ngoài công lập, cộng thêm với sự quay lưng bằng những tuyên bố như trên, đã dẫn đến hậu quả thê thảm của mùa tuyển sinh vừa qua. Và tất nhiên, có không ít trường đại học ngoài công lập rất tốt, nhưng phải trở thành nạn nhân vì chiếc bong bóng xì hơi. Chưa kể sự nghiệt ngã nhất của dư luận chính là ở chỗ tạo ra một định kiến xã hội mà trong một giai đoạn ngắn, các trường tốt khó lòng vượt qua để chứng minh ngược lại.

 

Nếu như ý kiến cho rằng đa số các trường đại học ngoài công lập chất lượng thấp, thiếu từ sơ sở vật chất đến cán bộ giảng dạy, vậy thì xin hỏi tại sao Bộ GD&ĐT lại cấp giấy phép cho các trường đó hoạt động? Trường đại học mọc lên như nấm, tràn lan như dự án bất động sản, chẳng lẽ nó tự mọc được? Tình trạng này cho thấy thiếu vắng sự quy hoạch tổng thể mang tầm chiến lược quốc gia. Cứ nhắm mắt cấp phép nếu như người xin cấp phép biết điều, còn sau đó sống chết mặc bay chính là sự vô cảm thường thấy trong nhiều lĩnh vực mà giáo dục đại học không là ngoại lệ.

 

Nói cho thẳng thắn, hệ thống trường cao đẳng đại học ngoài công lập có nguy cơ tan vỡ thì Bộ GD&ĐT không thể không chịu trách nhiệm. Một vụ tai nạn giao thông đường sắt xảy ra, vị bộ trường ngành giao thông sẵn sàng đứng ra nhận trách nhiệm và xin từ chức, đó là văn hóa chính trị của nhiều quốc gia. Vậy một hệ thống trường đại học ngoài công lập bị “tai nạn” thương vong gần hết, chẳng lẽ Bộ GD&ĐT không chịu trách nhiệm?

 

 Ai là "ông bố đẻ vô cảm"?

 

Lê Chân Nhân

 

 

 

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!