Ai là những “Lý Thông” tranh công, cướp thành quả?
(Dân trí) - Kẻ bất tài, lười biếng còn là “động lực” làm thui chột những người chăm chỉ và có năng lực. Không ai muốn chăm chỉ, phát huy hết năng lực khi mà bên cạnh mình có những kẻ bất tài, lười biếng làm ít lại được hưởng nhiều.
Trên báo chí vừa qua, có một dòng tin ngắn ngủi về một “khối u” tích tụ từ rất lâu, gây bức xúc và thách thức toàn xã hội. Đó là tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác năm 2018 ngày 15/1. Kiểm toán Nhà nước cho biết trong công tác quản lý biên chế công chức, viên chức đã phát hiện thừa 57.175 người.
Thực ra, so với con số 30% (của 2,8 triệu công chức, viên chức) “sáng cắp ô đi, tối cắp về”, “có cũng được mà không cũng được” như lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói khi ông còn là Phó Thủ tướng thì con số gần 60 ngàn không phải là lớn.
Thế nhưng hãy tưởng tượng, chỉ với mức lương khoảng 5tr đồng/tháng/người cho số “dư thừa”, mỗi tháng Nhà nước phải chi một số tiền khổng lồ, gần 300 tỉ đồng “ném qua cửa sổ”. Đó là chưa tính hàng loạt các chi phí khác như tiền điện, nước, ốm đau, lễ tết… và cả lương hưu sau này.
Tuy nhiên, cái nguy hại từ con số “dư thừa”, “có cũng được mà không cũng được” này không chỉ là tiền bởi họ không chỉ “sáng cắp ô đi, tối cắp về, làm việc không hiệu quả” mà còn là những vật cản, thậm chí gây rối loạn cơ quan, nhất là vào dịp thưởng tết.
Lý do không khó để chỉ ra bởi trong số người này nếu không bất tài thì họ cũng là kẻ lười biếng. Mà gần như một qui luật, trong một tập thể những kẻ lười biếng luôn ghen ghét với người chăm chỉ, bởi chính những người chăm chỉ là những “tấm gương” phản chiếu làm lộ rõ chân tướng của kẻ lười biếng.
Tương tự như vậy, kẻ bất tài luôn kèn cựa, ghen ghét với người có năng lực bởi chính những người có năng lực làm lộ rõ cái sự bất tài của họ.
Đã vậy, kẻ bất tài thường hay nhòm ngó, bới lông tìm vết những người có năng lực. Họ còn hay tỏ vẻ ta đây là “ông quan trọng”, từ đó dẫn tới quan liêu, hách dịch.
Kẻ bất tài và lười biếng lại thường khéo nịnh cấp trên, giỏi “tô vẽ” nên gặp những vị sếp quan liêu, khó có thể nhận biết và điều này gây ức chế cho tập thể.
Kẻ bất tài, lười biếng còn là “động lực” làm thui chột những người chăm chỉ và có năng lực. Không ai muốn chăm chỉ, phát huy hết năng lực khi mà bên cạnh mình có những kẻ bất tài, lười biếng làm ít lại được hưởng nhiều.
Trong một cơ quan, những ai lười biếng và bất tài thường là những người hay kêu ca, đòi hỏi và yêu sách.
Nghiêm trọng hơn, trong đó là lũ “Lý Thông” luôn luôn rình rập tranh công lao, cướp thành quả của người khác.
Vì vậy, những nhân tố “sáng cắp ô đi, tối cắp về” không chỉ là những kẻ ăn bám mà còn là những nguy cơ thật sự. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến nền hành chính quốc gia trì trệ, “hành dân là chính”?
Bùi Hoàng Tám