Ai cho tôi làm người văn minh?

(Dân trí) - Bỗng dưng thấy mình hơi giông giống anh Chí của làng Vũ Đại. Khác cái là bây giờ làm người lương thiện dễ hơn nhưng làm người văn minh hình như vẫn còn… quá khó!?

Ai cho tôi làm người văn minh?  - 1
 
(Ảnh minh họa: Ngọc Diệp)
 
Sáng nay trời đẹp, mình dắt xe ra đường với tâm trạng vui phơi phới. Ngay lập tức, một anh dí còi liên tục đằng sau, một anh đằng hắng rồi khạc nhổ ngay đằng trước sượt qua mặt mình (dạo này nóng bức nên nhiều nhà bật điều hòa, kết quả số người khạc nhổ ra đường vào buổi sáng cũng nhiều hơn hẳn...). Chưa định thần lại thì một chiếc xe máy luồn lách lao lên, ngoắc luôn tay lái vào xe của mình rồi vọt thẳng. Không một câu xin lỗi! Niềm vui phơi phới buổi sáng bỗng tan biến. Mình nhìn lại con đường đang đi, khói bụi mờ mịt. Các loại xe cơ giới cùng thi nhau bấm những tràng còi dài. Mấy chiếc xe máy len lỏi phi thẳng lên vỉa hè, mặc kệ những ánh mắt sợ rúm ró của mấy bà trung niên xách làn đi chợ và hai ông cháu dắt nhau tới trường.... Tự dưng thấy khả năng kiểm soát cảm xúc trong mình biến đi đâu mất.

Chợt nhớ một buổi tối, ông xã chở hai mẹ con chạy bon bon trên đường Trần Phú, một con đường đẹp nổi tiếng của Thủ đô. Bỗng xe bất thình lình phanh gấp, cả nhà chúi đầu về phía trước. May mà có dây bảo hiểm giữ lại. Té ra là chiếc ô tô đằng trước đang đi bỗng dừng đột ngột ngay bên trái đường. Bác tài thản nhiên mở cửa, bế con ra vệ đường để xi tè ngay trước cửa một đại sứ quán rõ to đẹp. Ông xã mình nêu ý kiến nhẹ nhàng: "Sao anh lại đi thế? Nguy hiểm quá và tắc hết đường rồi? Với lại ai để con đi tè bậy vậy?" Lập tức, anh kia đáp trả: "T... đi thế nào quyền của t..., m... thích gì?...", kèm theo vô số từ bẩn thỉu nhất có hoặc không có trong từ điển tiếng Việt, dành cho ông xã cùng với các khán giả là mình với cậu con trai 6 tuổi và cả cô con gái khoảng 3 tuổi rất xinh xắn của bác ta. Sợ quá, mình bịt tai con lại rồi cùng cả nhà dông thẳng.

Lại nhớ mấy bữa trước mình ra nước ngoài, sáng nào đường cũng tắc tị như ở nhà mình. Thế mà chả có tiếng còi nào vang lên, mọi người ngồi trong xe vẫn mỉm cười chào nhau. Mình đi dạo trên đường lơ đễnh va vào một vị đi ngược chiều. Chưa kịp xin lỗi thì họ đã mau mắn xin lỗi mình một cách rất ư là lịch sự. Khi mình vừa mới giơ bản đồ dò đường, chưa kịp hỏi thì có ngay mấy người nhiệt tình hỏi xem có cần giúp đỡ không và còn mời mình ăn bánh họ vừa mới làm.

Buổi tối hôm trước đang bực vì để quên máy ảnh ở nhà, sáng hôm sau đem cái mặt bí xị ra đường nhưng chỉ ít phút sau, mình phải cất ngay cái “bộ mặt bi thương” đó đi vì gặp ai cũng nhoẻn miệng cười với mình với lời thăm hỏi: "Good morning. How are you?" (Chào buổi sáng. Bạn có khỏe không?). Làm sao mà có thể “trình diễn” một khuôn mặt nhăn nhó với những người luôn cười tươi với mình được?
Khi vào khách sạn, bước qua cửa kính, người đi trước luôn giơ tay đỡ để cánh cửa khỏi va vào người đi sau. Người sau cũng biết ý không để người trước phải đỡ lâu, lại đỡ tiếp ngay và chẳng quên nói câu cảm ơn ngọt ngào. Ơ, tự dưng thấy những câu như: “Xin chào”, “cảm ơn”, “xin lỗi”… sao dễ nói ra và đáng yêu đến thế.

Mình có cô bạn ở Tây hơn chục năm rồi quay về Hà Nội sinh sống. Lúc mới về, đi đâu cô cũng chào hỏi mọi người với nụ cười luôn tươi tắn. Đi xe, chẳng mấy khi bấm còi và luôn kiên nhẫn đi đúng làn đường của mình. Cũng chưa từng một lần chen lấn ở những chỗ đông người. Dù rất mất công song vẫn cố tìm cho bằng được thùng rác công cộng để không xả rác bừa bãi. Chẳng bao giờ tỏ ra bực mình hay quát người lạ dù họ có lỗi.... Vậy mà chỉ sau 2 năm, cô ấy đã quen và hòa nhịp được với nếp sống (như trên mình kể) ở Hà Nội. Được ra nước ngoài, thỉnh thoảng mình cũng nảy sinh ý muốn vươn lên làm người văn minh. Có điều, chả biết có ai cho mình làm người văn minh không nhỉ?


Hải Minh