Xuất hiện làn sóng di cư đến các vùng ngoại ô của giới nhà giàu Mỹ

Thảo Lê

(Dân trí) - Đại dịch Covid-19 đang khiến cho ngày càng nhiều người dân New York rời bỏ thành phố này để đến sống ở các vùng ngoại ô.

Xuất hiện làn sóng di cư đến các vùng ngoại ô của giới nhà giàu Mỹ - 1
Người mua xếp hàng chờ tham quan bên ngoài một ngôi nhà đang được rao bán ở Belleville, New Jersey. Ảnh: The New York Times.

Cuối tháng 7, một ngôi nhà ba phòng ngủ ở East Orange, New Jersey, được chào bán ở mức 285.000 USD đã thu hút 97 lượt tham quan, 24 lượt trả giá và được bán với giá cao hơn 21% so với giá niêm yết.

Tại Long Island, 6 người đã đưa ra lời đề nghị mua một căn nhà trị giá 499.000 USD ở Valley Stream mà không cần xem trực tiếp sau khi nó được giới thiệu qua một video trên Facebook.

Kể từ khi đại dịch bùng phát, các khu vực xung quanh thành phố New York, từ New Jersey, Westchester đến Connecticut, Long Island, đều ghi nhận nhu cầu khổng lồ về nhà ở thuộc mọi phân khúc.

Trong tháng 7, doanh số bán nhà ở các quận ngoại ô xung quanh thành phố đã tăng 44% so với năm ngoái.

Mức tăng là 112% ở quận Westchester và 73% ở quận Fairfield, Connecticut sát biên giới bang.

Ở chiều ngược lại, số lượng bất động sản được bán ở quận trung tâm New York là Manhattan lại giảm mạnh ở mức 56%, theo đại lý bất động sản Miller Samuel.

Xuất hiện làn sóng di cư đến các vùng ngoại ô của giới nhà giàu Mỹ - 2
Cặp vợ chồng Zack Stertz và Zoe Salzman cùng hai con trai bên ngôi nhà mới mua ở New Jersey. Ảnh: The New York Times.

Sau 15 năm sống ở Brooklyn, cặp vợ chồng Zack Stertz và Zoe Salzman nhận ra rằng căn hộ hai phòng ngủ với sân sau của mình là quá nhỏ để vừa làm việc tại nhà, vừa trông nom hai cậu con trai.

Thêm vào đó, họ lại không đủ khả năng để mua một ngôi nhà khác ở Brooklyn và lo lắng rằng các trường học ở New York sẽ chưa mở cửa trở lại vào mùa thu. Vì vậy họ đã tìm đến New Jersey.

Khi một ngôi nhà bốn phòng ngủ ở Maplewood, New Jersey được rao bán vào ngày 12/6, hai vợ chồng đã đến xem và gửi đề nghị mua với giá 799.000 USD hai ngày sau đó - mức cao nhất trong số nhiều lời đề nghị và được người bán chấp nhận.

“Từ bỏ cuộc sống ở Brooklyn và chuyển đến vùng ngoại ô là điều chúng tôi chưa từng nghĩ đến trước đây. Nhưng đại dịch đã buộc chúng tôi phải đưa ra quyết định này”, Salzman cho biết.

Tại New Jersey, hơn 29.700 căn nhà đã được bán trong tháng 6 và tháng 7, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2019. Lượng bất động sản tồn kho tại đây cũng giảm 40% so với cùng thời điểm năm ngoái.

Xuất hiện làn sóng di cư đến các vùng ngoại ô của giới nhà giàu Mỹ - 3
Nhu cầu nhà ở tăng mạnh ở các vùng ngoại ô New York. Ảnh: The New York Times.

Nhu cầu tìm kiếm nhà ở ngoại ô, một phần xuất phát từ việc cư dân New York có thể làm việc từ xa trong khi các văn phòng đóng cửa. Theo các nhà phân tích, điều này gợi nhớ đến cuộc di cư đã từng diễn ra vào nửa sau thế kỷ 20 trong quá trình ngoại ô hóa nước Mỹ.

Sự gia tăng không chỉ xuất hiện ở những ngôi nhà mở cửa cho khách tham quan, thu hút nhiều lời đề nghị và bán với giá cao hơn giá chào bán.

Nó còn ảnh hưởng tới cả những người dân ở vùng ngoại ô New Jersey không mấy quan tâm đến việc bán nhà nhưng thường xuyên phải nhận những cuộc gọi không mong muốn từ các nhà môi giới.

Rất khó để dự đoán liệu cuộc di cư mới có tiếp tục với tốc độ như hiện nay hay không, trong bối cảnh đã có vắc xin phòng bệnh và các tòa nhà văn phòng trong thành phố hoàn toàn mở cửa trở lại. Hơn nữa, hầu hết cư dân New York không đủ khả năng để chi hàng trăm nghìn USD cho một ngôi nhà ở ngoại ô.

Mặc dù vậy, việc nhiều công ty và người lao động dần quen với phương pháp làm việc từ xa cho thấy khả năng các vùng ngoại ô sẽ vẫn sẽ là điểm đến định cư hấp dẫn trong tương lai gần, thay vì chỉ là nơi người dân sở hữu ngôi nhà thứ hai hoặc để nghỉ dưỡng cuối tuần.

Maria Doulis, phó chủ tịch chiến lược và vận hành của Ủy ban Ngân sách Công dân, một cơ quan giám sát tài chính phi đảng phái, nhận định làn sóng di cư của người dân New York có thể kìm hãm sự phục hồi kinh tế của thành phố và khả năng duy trì chất lượng cuộc sống trên các phương diện an ninh và vệ sinh.

“Điều đáng lo ngại là những người có thu nhập cao, đặc biệt là trên 1 triệu USD, đóng góp đáng kể cho ngân sách New York. Để mất họ sẽ thực sự là một cú đánh mạnh vào nền kinh tế”, bà Doulis nói thêm.

Thị trưởng New York, ông Bill de Blasio, mặt khác vẫn tin tưởng vào sự trở lại của người dân. Tuy nhiên, điều đó dường như không mấy khả quan khi các đại lý bất động sản nhận vô số cuộc gọi từ người dân New York cho thấy họ đang cân nhắc việc sẽ sinh sống lâu dài ở nơi ở mới.

Nhiều người bày tỏ lo ngại về những rủi ro sức khỏe khi sống trong các khu đô thị đông đúc.

Đối mặt với những hạn chế vì dịch bệnh, họ mong muốn có thêm những điều kiện sống như sân chơi cho con cái và một văn phòng làm việc tại nhà - những điều mà New York không thể mang lại cho họ. Một số khác lại lo ngại về tỷ lệ tội phạm gia tăng ở thành phố này, đặc biệt là các vụ xả súng.