1. Dòng sự kiện:
  2. Chuyển động bất động sản 2024

Bình Định:

Xử lý cán bộ dùng… ảnh hưởng lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép?

(Dân trí) - “Mang tiếng người dân lấn chiếm nhưng đằng sau là cán bộ mua, dùng ảnh hưởng của mình để xây dựng nhà trái phép”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phí Long thẳng thắn nói.

Xử lý cán bộ dùng… ảnh hưởng lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép? - 1
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long phát biểu tại cuộc họp xử lý tình trạng lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép tại Khu kinh tế Nhơn Hội.

Hôm qua (24/3), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo và Tổ công tác giúp việc cho Ban chỉ đạo xử lý tình trạng lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép trên địa bàn Khu kinh tế Nhơn Hội. Đồng thời, yêu cầu công an lập ngay chuyên án điều tra truy tố, khi có biểu hiện sai phạm.

Buông lỏng, đùn đẩy trách nhiệm

Ông Nguyễn Thanh Nguyên, Phó Trưởng Ban Khu kinh tế Nhơn Hội cho biết, tháng 3/2019 UBND tỉnh chủ trì tổ chức thực hiện cưỡng chế 39 trường hợp lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép tại Khu kinh tế Nhơn Hội, thì tình trang này đã giảm.

Xử lý cán bộ dùng… ảnh hưởng lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép? - 2
Tháng 3/2019, do tình hình phức tạp, tỉnh Bình Định đã tổ chức cưỡng chế các trường hợp vi phạm lập lại trật tự.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, sau khi có điều chỉnh Khu kinh tế Nhơn Hội, triển khai các dự án trọng điểm trên địa bàn Khu kinh tế thì tình hình lại diễn biến phức tạp. Theo đó, phát hiện mới có 45 trường hợp lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép.

Đặc biệt, huyện Phù Cát được xem là “điểm nóng” để xảy ra thực trạng này. Trong đó, tại xã Cát Chánh có 16 trường hợp lấn chiếm đất đai xây dựng trái phép. Ngoài ra, 29 trường hợp đã phát hiện trước đây cũng được chính quyền ban hành quyết định cưỡng chế, tại xã Cát Tiến có 24 trường hợp vi phạm…  

Xử lý cán bộ dùng… ảnh hưởng lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép? - 3
Ông Trần Văn Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát phát biểu tại cuộc họp.

Ông Trần Văn Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát lý giải, việc xử lý xây dựng lấn chiếm không hề đơn giản. Bởi, khi xử lý 29 trường hợp lấn chiếm (xã Cát Chánh) thì đa số người dân vi phạm lại ở huyện Tuy Phước, đã có tình trạng chuyển nhượng mua bán đất nên rất mất thời gian xác lập hành vi chính xác. Chính quyền ban hành thu hồi đất thì lập tức các hộ dân này kéo đến trụ sở huyện khiếu nại.

“Thành phần Tổ công tác xử lý lấn chiếm xây dựng trái phép không đảm bảo, cán bộ địa chính có trách nhiệm chính thì không tham gia Tổ công tác mà là cán bộ phụ nên khó xử lý công việc. Tổ công tác nên bố trí thêm lãnh đạo UBND xã, để xác lập hồ sơ nhanh chóng, hiệu quả”, ông Hương kiến nghị. 

Xử lý cán bộ dùng… ảnh hưởng lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép? - 4
Đại diện Công an tỉnh Bình Định cho rằng việc xây dựng trái phép không thể thực hiện ngày 1 ngày 2 là xong...

Trong khi đó, ông Lê Văn Tùng, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bình Định cho rằng, tình trạng vi phạm lấn chiếm đất đai còn tiếp diễn một phần do chính quyền địa phương còn trông chờ vào tỉnh rất nhiều, thậm chí có trường hợp đùn đẩy trách nhiệm. “Nếu huyện cứ chờ thì không bao giờ xử lý nổi, chuyên môn đã rõ rồi, không vướng gì cả, địa phương phải nhanh chóng vào cuộc”, ông Tùng nói.

Xử lý nghiêm cán bộ nếu sai phạm

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Phi Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân. Đặc biệt là vai trò trách nhiệm của UBND các xã trong việc quản lý đất đai trên địa bàn.

Xử lý cán bộ dùng… ảnh hưởng lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép? - 5
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng (đội mũ) trực tiếp kiểm tra hiện trường chỉ đạo xử lý nghiêm

Ông Long đề nghị, Ban quản lý Khu kinh tế trong thời gian tới tiếp tục tăng cường rà soát, công khai phương án quy hoạch Khu kinh tế mở rộng đến năm 2040. Tăng cường trách nhiệm của Tổ công tác giúp việc cho Ban chỉ đạo trong việc tuần tra, kiểm tra giám sát. Phối hợp với các UBND cấp xã, huyện trong việc phát hiện, lập biên bản các trường hợp lấn chiếm đất đai phát sinh, đề xuất các giải pháp.

Với 45 trường hợp phát hiện mới, ông Long chỉ đạo UBND các xã hoàn thành các thủ tục vi phạm hành chính trong tháng 3/2020 để tránh việc lan đến nhiều khu vực khác, phức tạp sau này. Luật đất đai 2013 quy định trách nhiệm phát hiện xử lý lấn chiếm đất đai trái phép trước tiên thuộc UBND cấp xã. Nếu các xã tiếp tục buông lỏng quản lý dẫn đến việc lấn chiếm như hiện nay tỉnh sẽ thực hiện kỷ luật người đứng đầu.

Xử lý cán bộ dùng… ảnh hưởng lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép? - 6
Kiên quyết cưỡng chế công trình vi phạm, lập lại trật tự.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long thừa nhận, chính quyền tỉnh Bình Định đã có quá nhiều bài học trong việc buông lỏng quản lý đất đai và khi công an điều tra thì chắc chắn sẽ “lộ” ra nhiều câu chuyện phải xử lý.

“Mang tiếng là người dân lấn chiếm nhưng đằng sau là cán bộ mua, rồi dùng ảnh hưởng của mình để xây dựng trái phép. Việc này, khi có hiện tượng chứng cứ thì công an tỉnh cần lập chuyên án, đủ kiện thì điều tra truy tố, xử lý dứt điểm”, ông Long nhấn mạnh.

Xử lý cán bộ dùng… ảnh hưởng lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép? - 7
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long chỉ đạo công an tỉnh vào cuộc xử lý nghiêm các trường vi phạm để cảnh tỉnh các trường hợp khác.

Ngoài ra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long cho biết, tỉnh sẽ cương quyết xử lý nghiêm các cán bộ, đảng viên nếu tham gia lấn chiếm đất đai, xây dựng nhà trái phép khi kiểm tra phát hiện ra.

Doãn Công