Vụ chủ đầu tư "dọa đuổi" khách hàng khỏi chung cư: Cư dân có quyền khởi kiện
(Dân trí) - Luật sư nhận định, việc chủ đầu tư chung cư Prosper Plaza ngăn cản người mua phản ánh bức xúc là vi phạm quyền tố cáo, khiếu nại của công dân. Do đó, cư dân có quyền yêu cầu chủ đầu tư phải giải quyết các vấn đề liên quan đến tiện ích của tòa nhà. Trường hợp chủ đầu tư không khắc phục, người mua có quyền khởi kiện ra tòa án.
Nhiều cư dân “than trời”
Như Dân trí đã thông tin, mới đây, chị Nguyễn Thị Hường, chủ căn hộ B-12A-18 chung cư Prosper Plaza (quận 12, TPHCM) cho hay, thời gian qua, chị từng có phản ánh tình trạng mất vệ sinh, nước sinh hoạt bị biến sắc và không đạt chất lượng, phí quản lý quá cao... của khu chung cư này tại các buổi họp cư dân và trên mạng xã hội.
Điều đáng nói là sau khi tiếp nhận phản ánh của cư dân, chủ đầu tư chung cư Prosper Plaza là Công ty TNHH MTV Đầu tư Phúc Phúc Yên (Công ty Phúc Phúc Yên) không những không giải quyết triệt để những bức xúc của cư dân mà còn ra thông báo về việc chấm dứt hợp đồng mua bán căn hộ với chị Hường.
Cụ thể, trong thông báo được ban hành vào ngày 16/10 vừa qua, bà Châu Thị Mỹ Linh, Giám đốc Công ty Phúc Phúc Yên cho biết, trước khi nhận bàn giao căn hộ B-12A-18, chị Hường đã có cam kết với chủ đầu tư về việc tuân thủ và thực hiện đúng nội quy nhà chung cư, không tụ tập, không kích động, không đưa tin không chính thống lên các trang mạng xã hội nhằm mục đích cá nhân hoặc nhằm mục đích khác.
Tuy nhiên, theo bà Linh, trong thời gian qua, chủ đầu tư đã thu thập đầy đủ thông tin, chứng cứ cụ thể việc bà Hường không thực hiện đúng cam kết, thường xuyên đưa tin không chính thống lên các trang mạng xã hội để lôi kéo, kích động cư dân và các cá nhân, tổ chức khác nhằm mục đích cá nhân hoặc có chủ ý phá hoại môi trường sống văn minh, lịch sự của chung cư Prosper Plaza, gây hoang mang cho cư dân sinh sống tại chung cư và ảnh hưởng đến uy tín của chủ đầu tư.
Do đó, Công ty Phúc Phúc Yên đã gửi thông báo đến chị Hương, yêu cầu chấm dứt hợp đồng mua bán căn hộ, yêu cầu chị đến làm việc với chủ đầu tư vào chiều 21/10.
“Nay, Chủ đầu tư - Công ty Phúc Phúc Yên buộc phải chấm dứt Hợp đồng mua bán căn hộ số: BLOCKB-T12A-CH18/HĐTM-PPY ngày 5/9/2017 được ký kết giữa Công ty Phúc Phúc Yên và bà Nguyễn Thị Hường theo quy định tại Hợp đồng mua bán căn hộ và Bản cam kết của bà Nguyễn Thị Hường đã gửi cho Công ty Phúc Phúc Yên”, bà Linh nêu trong thông báo.
Được biết, sau sự việc này, dư luận càng “dậy sóng”, bày tỏ bức xúc đối với động thái nêu trên của Công ty Phúc Phúc Yên. Trong đó, nhiều cư dân sống trong chung cư Prosper Plaza đã không ngừng đăng tải thông tin về việc nguồn nước trong chung cư này bị biến sắc, cũng như tỏ ra không hài lòng về việc chủ đầu tư dùng bản cam kết mà cư dân đã ký trước khi nhận nhà để “dọa” chấm dứt hợp đồng mua bán căn hộ.
Chủ đầu tư có thể bị kiện
Ở góc độ pháp lý, Luật sư Thái Đức Long (Trưởng Văn phòng luật sư Long Thái và Cộng sự, Đoàn luật sư TPHCM) cho biết, hợp đồng mua bán căn hộ là hợp đồng song vụ. Theo đó, nghĩa vụ của người bán là giao nhà đúng thời hạn, đúng chất lượng và bảo đảm các tiện ích liên quan như đã cam kết trong hợp đồng.
Cụ thể, chủ đầu tư phải bảo đảm cung cấp điện ổn định, nước sạch, cáp mạng, hệ thống thoát nước, chỗ để xe, công viên cây xanh, hệ thống thang máy hoạt động tốt, an ninh, trật tự ổn định, hệ thống chống cháy, sân chơi cho trẻ em và có thể thêm các tiện ích khác như hồ bơi, siêu thị, cửa hàng, quán cà phê… Quan trọng là phải thành lập Ban quản lý chung cư và chủ đầu tư có một đại diện trong Ban quản lý.
Còn nghĩa vụ của bên mua nhà là phải thanh toán đúng, đủ số tiền đã cam kết, các chi phí sinh hoạt có liên quan, phí bảo trì… Cho nên, chỉ khi nào chủ đầu tư chứng minh được người mua có vi phạm nghĩa vụ nêu trên và làm thiệt hại quyền và lợi ích của chủ đầu tư thì chủ đầu tư mới có thể áp dụng điều khoản đơn phương chấm dứt hợp đồng.
Theo luật sư Long, hợp đồng mua bán căn hộ chung cư chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản pháp luật, trong đó có Bộ luật Dân sự và Luật Kinh doanh Bất động sản.
Theo điều 428 Bộ luật Dân sự quy định về “đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng” thì bên đưa ra quyết định đơn phương chấm dứt phải chứng minh bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trong hợp đồng.
“Việc chủ đầu tư dùng bản cam kết của người mua là không tụ tập, không kích động, không đưa tin không chính thống lên các trang mạng xã hội để đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán là không có căn cứ pháp luật. Các hành vi nêu trên nếu có xảy ra, tùy trường hợp, sẽ bị điều chỉnh bởi các quy định của pháp luật hành chính, hình sự và không thuộc thẩm quyền tài phán của chủ đầu tư”, luật sư Long nhận định.
Luật sư Long cũng cho rằng, người mua có quyền được hưởng đúng chất lượng các dịch vụ mà chủ đầu tư cam kết. Việc chủ đầu tư ngăn cản người mua phản ánh là vi phạm quyền tố cáo, khiếu nại của công dân.
Do đó, cư dân có quyền yêu cầu chủ đầu tư phải giải quyết các vấn đề liên quan đến tiện ích của tòa nhà. Trường hợp chủ đầu tư không khắc phục, người mua có quyền khởi kiện đến tòa án nhân dân có thẩm quyền để buộc chủ đầu tư phải khắc phục.
Quế Sơn