Vì sao Nhật có ngành chăm sóc sức khỏe phát triển hàng đầu thế giới?

Minh Hương

(Dân trí) - Tập trung vào sức khỏe tinh thần cũng như thể chất, đề cao sự hòa hợp và kết nối với thiên nhiên là những yếu tố làm nên văn hóa của ngành chăm sóc sức khỏe Nhật Bản.

Tập trung vào sức khỏe tinh thần

Một nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới chỉ ra rằng điều kiện để có sức khỏe tốt của mỗi cá nhân liên quan tới sự gắn bó trong cộng đồng như niềm tin tưởng giữa những người sống gần nhau, tương tác qua lại và giúp đỡ lẫn nhau. Nhật Bản cũng có triết lý "Iki-iki" cho rằng một khía cạnh để có cơ thể khỏe mạnh nằm sâu trong tâm trí con người như lòng lạc quan, giữ tâm trạng ổn định, tự chấp nhận bản thân và hài lòng với cuộc sống.

Chính vì vậy, đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe cộng đồng và cải tiến công nghệ để chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho các thế hệ người cao tuổi là hai xu hướng chăm sóc sức khỏe đang được đẩy mạnh tại Nhật Bản cũng như đang trở thành trào lưu chủ đạo của ngành chăm sóc sức khỏe thế giới. Hệ thống các Ikiiki Plazas đang phát triển mạnh mẽ tại Nhật Bản, bao gồm các cơ sở tạo điều kiện cho các thế hệ gia tăng tương tác, nghỉ ngơi thư giãn, học tập và củng cố niềm tin giữa người với người.

Vì sao Nhật có ngành chăm sóc sức khỏe phát triển hàng đầu thế giới? - 1

Ngành chăm sóc sức khỏe Nhật Bản tập trung vào sức khỏe tinh thần cũng như thể chất. Ảnh: Livejapan

Chính sách của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cho rằng sức khỏe tinh thần cũng quan trọng như sức khỏe thể chất. Từ năm 2015, các công ty có quy mô từ 50 nhân viên trở lên tại Nhật Bản thực hiện đánh giá mức độ stress của nhân viên hàng năm để cân bằng tâm lý cho người lao động trong môi trường làm việc.

Ngành chăm sóc sức khỏe Nhật Bản hướng tới kết nối với thiên nhiên

Kết nối với thiên nhiên được coi là một biện pháp chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật tại Nhật Bản. "Tắm rừng" là liệu pháp điều trị sức khỏe - tinh thần gắn liền với thiên nhiên được phát triển tại Nhật Bản từ năm 1982.

Hiện quốc gia này có 62 rừng trị liệu, hơn 1.200 hướng dẫn viên được cấp chứng chỉ. Trên 2,5 triệu người tham gia trị liệu "tắm rừng" vào năm 2018. Những nghiên cứu đã chỉ ra lợi ích sức khỏe qua việc kết nối các giác quan với tự nhiên, bao gồm giảm căng thẳng, cải thiện hệ tuần hoàn, hệ trao đổi chất, giảm lượng đường trong máu, tăng khả năng tập trung, cải thiện trí nhớ, năng lượng.

Bên cạnh liệu pháp "tắm rừng" - nhờ ưu thế tự nhiên khi rừng chiếm tới 67% diện tích, Nhật Bản còn được thiên nhiên ưu ái ban cho 20.972 suối nước nóng (onsen), chiếm 2/3 tổng số onsen trên thế giới. Người Nhật cũng tận dụng những suối nước nóng thiên nhiên này trong ngành dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Tắm onsen được chứng minh có nhiều lợi ích với sức khỏe con người nhờ các khoáng chất có trong suối nước nóng, tác dụng của nhiệt độ cao với quá trình tuần hoàn máu, trao đổi chất, giảm mệt mỏi, thả lỏng cơ bắp, khớp xương. Nhờ những lợi ích to lớn trên, hình thức tắm suối nước nóng Nhật Bản đang trở nên phổ biến trên toàn thế giới, như nhà tắm Shou Sugi Ban House tại Hamptons, Mỹ.

Vì sao Nhật có ngành chăm sóc sức khỏe phát triển hàng đầu thế giới? - 2

Chế độ ăn Shojin Ryori tập trung vào các loại rau củ quả theo mùa. Ảnh: Globalwellnesssummit

Kết nối với thiên nhiên để chăm sóc sức khỏe còn thể hiện qua chế độ ăn của người Nhật Bản. Từ năm 2018, các ngôi đền, chùa Nhật Bản mở cửa dịch vụ thiền định cho du khách. Tại đây, du khách được trải nghiệm thiền, tĩnh lặng và chế độ ăn Shojin Ryori do các tu viện Phật giáo Nhật Bản giới thiệu. "Shojin" nghĩa là theo đuổi trạng thái tinh thần tốt đẹp, còn "ryori" nghĩa là thức ăn.

Triết lý Shojin Ryori bắt nguồn từ thế kỷ 6, với trung tâm là những món ăn chế biến từ đậu tương và các loại rau củ quả, các loại hạt theo mùa. Chế độ ăn này không bao gồm thịt cá, các sản phẩm từ động vật, các thực phẩm có mùi nồng như tỏi, hành tây. Từ xa xưa, các nhà sư Nhật Bản đã tuân thủ hai bộ "5 quy tắc" trong chế độ ăn, bao gồm: 5 màu (xanh, đỏ, vàng, đen, trắng) và 5 vị (ngọt, chua, mặn, đắng và umami). Chế độ ăn Shojin Ryori hướng tới sự cân bằng của cơ thể, tâm trí và tinh thần.