Vì sao người dân sống trong khu tập thể xập xệ không chịu di dời?

Việt Vũ

(Dân trí) - Do không đạt được thỏa thuận trong vấn đề đền bù nên nhiều hộ dân dù sống trong các khu tập thể cũ nát ở Hà Nội vẫn không chịu dời đi.

Khó tìm được tiếng nói chung

Sau khoảng 60 năm tồn tại, khu tập thể 3 tầng thuộc tổ khu phố 13, phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông đã xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều mảng tường nứt toác, bong tróc, để lộ ra phần cốt thép đã hoen gỉ. Đặc biệt, phần mái tầng 3 của khu nhà này cứ mưa là dột, cuộc sống của người dân cũng vì vậy ảnh hưởng nghiêm trọng. 

Vì sao người dân sống trong khu tập thể xập xệ không chịu di dời? - 1
Khu tập thể Giảng Võ nằm trên đất "vàng" của Hà Nội, nên người dân mong muốn đền bù 100 triệu đồng/m2.

Hầu hết, các hộ dân ở đây đều mong muốn, khu nhà được cải tạo mới càng sớm, càng tốt để đảm bảo an toàn cho cuộc sống. Trên thực tế, khu nhà tập thể này đã được lên phương án di dời từ năm 2017, nhưng tới nay, quá trình này vẫn "giậm chân tại chỗ" là do chưa đạt được thỏa thuận giữa chủ đầu tư và các hộ dân sống bên trong.

Ông T., một hộ dân sống ở tầng 2 cho biết: "Chủ đầu tư hứa sẽ đồng ý sẽ tạo điều kiện cho các hộ dân tái định cư tại chỗ, tuy nhiên doanh nghiệp này không hứa chắc khi nào dự án xong. Do đó, chúng tôi vẫn phải sống trong cảnh thấp thỏm, lo sợ nhà bị sập".

Khác với khu tập thể tại quận Hà Đông, khu tập thể Giảng Võ lại nằm tại vị trí "vàng", được đánh giá đẹp nhất nhì Hà Nội. Theo khảo sát, giá BĐS mặt đường tại khu vực này đạt tới 300 - 500 triệu đồng/m2 và 80 - 120 triệu đồng/m2, nếu nằm ở bên trong.

Do đó, khi đề cập tới việc đền bù và giải phóng mặt bằng, một số hộ dân tại khu tập thể này yêu cầu chủ đầu tư phải chi trả phí đền bù tương đương với giá thị trường.

Doanh nghiệp không mặn mà

Trong vài năm gần đây, Bộ Xây dựng và UBND Hà Nội đã đưa ra nhiều giải pháp để giải tỏa, cải tạo các nhà tập thể cũ đang xuống cấp nghiêm trọng.

Ngay cả chủ đầu tư được thành phố giao nhiệm vụ cải tạo nhà tập thể cũ cũng đưa ra một số ưu đãi đặc biệt cho hộ dân. Thế nhưng, tìm ra được tiếng nói chung giữa 2 bên dường như rất nan giải.

Theo quy định của UBND Hà Nội, chính sách hỗ trợ diện tích tái định cư tối thiểu với người dân là hệ số K = 1,5 lần (đền bù nhà mới gấp 1,5 diện tích nhà cũ).

Vì sao người dân sống trong khu tập thể xập xệ không chịu di dời? - 2
Do chưa đạt được thỏa thuận của 100% hộ dân, nên quá trình cải tạo lại các khu nhà tập thể cũ vẫn đang "giậm chân tại chỗ".

Tức là, nếu căn hộ trước có diện tích 30 m2, sau khi nhà mới hoàn thiện, người dân sẽ nhận được nhà mới có diện tích là 45 m2.

Trao đổi với PV Dân trí, đại diện một doanh nghiệp BĐS được giao nhiệm vụ cải tạo khu tập thể Thành Công cho biết: Dù đã có quy định rõ về chính sách đền bù nhà tập thể cũ, song giữa doanh nghiệp và các hộ dân đều có các thỏa thuận riêng về hệ số đền bù.

Theo vị này, một số khu nhà tập thể nằm trên khu đất "vàng" của Hà Nội, như Phạm Ngọc Thạch, Trung Tự hay Giảng Võ, chủ đầu tư chấp nhận hệ số đền bù là 1,7 - 2 lần so với diện tích cũ. Dù vậy, nhiều hộ dân sống tại đây vẫn đòi hỏi hệ số đền bù phải cao hơn, dao động khoảng 2,5 lần, thậm chí là 3 lần.

Chưa kể, trong thời gian chờ đợi nhà mới, nhiều hộ dân yêu cầu doanh nghiệp phải hỗ trợ chi phí tạm cư vượt quá quy định của UBND Hà Nội.

"Muốn cải tạo nhà tập thể cũ phải được 100% đồng thuận của người dân. Nhưng trong quá trình thỏa thuận, lại nảy sinh ra nhiều vấn đề rất khó để tháo gỡ", vị này nói thêm.

Vì sao người dân sống trong khu tập thể xập xệ không chịu di dời? - 3
Các doanh nghiệp được giao cải tạo nhà tập thể thừa nhận, quá trình thỏa thuận với người dân gặp nhiều trở ngại.

Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM: Hiện nay, việc cải tạo nhà tập thể cũ vẫn còn gặp các trở ngại về cơ chế và chính sách, nhất là việc giới hạn chiều cao ở khu vực nội đô thành phố theo Nghị định 101.

"Khi bắt tay cải tạo lại nhà tập thể cũ, doanh nghiệp phải tự bỏ vốn ra xây dựng, kèm theo đó là hàng tỷ đồng chi phí cho người dân tạm cư trong thời gian chờ đợi nhà hoàn thiện. Đó là chưa kể vô vàn các khoản phí, thuế khác liên quan. Như vậy, nếu giới hạn chiều cao khi cải tạo lại chung cư cũ, doanh nghiệp lấy nguồn ở đâu để bù đắp chi phí?" - ông Châu nói.

Được biết, Bộ Xây dựng đang dự thảo sửa đổi Nghị định 101 về xây dựng lại chung cư cũ và sẽ được công bố vào quý 4/2020, dự kiến áp dụng vào đầu năm 2021.

Trước đó, Bộ Xây dựng đã đề xuất bổ sung chính sách hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan đến hoạt động cải tạo chung cư cũ, thí điểm cơ chế đặc thù tại Hà Nội và TP.HCM.

Bộ Xây dựng cho biết, vướng mắc hiện nay là do thể chế, hành lang pháp lý cho việc cải tạo chung cư cũ chưa có tính đột phá, chưa tạo được sự hài hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp, không hấp dẫn được các nhà đầu tư tham gia.

Để giải quyết vấn đề này, Bộ Xây dựng đề xuất thí điểm cơ chế đặc thù cho cải tạo chung cư cũ tại Hà Nội và TP.HCM, trong đó bổ sung chính sách nhằm hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm