Văn hóa tắm onsen Nhật, jjimjilbang Hàn Quốc và lá thuốc người Dao
(Dân trí) - Các hình thức tắm đặc trưng của ba quốc gia châu Á đều phục vụ mục đích thư giãn, nghỉ ngơi trong làn nước nóng, đồng thời mang tới những tác dụng thần kỳ cho sức khỏe.
Văn hóa tắm onsen đã tồn tại và phát triển từ lâu đời tại Nhật Bản. Ngày nay, tắm onsen đã trở thành dịch vụ và tiện ích du lịch thu hút du khách tới xứ Phù Tang. Tương tự, jjimjilbang đã có từ lâu đời tại Hàn Quốc, thường xuyên xuất hiện trong các bộ phim truyền hình và được biết tới ở nhiều quốc gia trên thế giới. Ngược lại, dù không phổ biến trên các phương tiện truyền thông, nhưng bài thuốc tắm lá của người Dao Việt Nam lại mang đến những tác dụng sức khỏe được giới khoa học thừa nhận rộng rãi.
Điều thú vị là hình thức tắm onsen của Nhật Bản và tắm jjimjilbang Hàn Quốc đều là tắm nơi công cộng, còn tắm lá Dao lại yêu cầu không gian riêng tư. Tuy vậy, Nghệ thuật và văn hóa Onsen, Jjimjilbang, tắm Dao đỏ đã trở thành tập tục sinh hoạt, trở thành nơi giao lưu gắn kết trong cộng đồng của người dân địa phương, cũng như thu hút khách du lịch.
Xuất phát từ điều kiện địa lý nhiều suối nước nóng do nằm trên vành đai núi lửa, các cơ sở onsen có mặt trên khắp đất nước Nhật Bản, phục vụ suốt cả năm. Tương tự, để phục vụ nhu cầu tắm jjimjilbang của người dân, các nhà tắm công cộng này hầu như có mặt tại các phường, quận, huyện tại Hàn Quốc, không phân biệt bốn mùa.
Thậm chí, quy tắc khi tắm onsen hay tắm jjimjilbang đều có nhiều nét tương đồng, ấy là thực hiện trong khu vực công cộng và phải khỏa thân. Trên thực tế, người Nhật Bản và Hàn Quốc không ngại khỏa thân tắm công cộng là bởi có chung quan điểm con người sinh ra ai cũng bình đẳng, nên khi trút bỏ lớp quần áo và tắm khỏa thân nơi công cộng cũng đồng nghĩa với việc xóa đi rào cản tầng lớp, địa vị xã hội. Điều này cũng lý giải vì sao người dân thuộc mọi độ tuổi, tầng lớp, giới tính, nghề nghiệp đều có thể tắm onsen tại Nhật Bản hoặc đi tắm jjimjilbang tại Hàn Quốc.
Các cơ sở jjimjilbang Hàn Quốc thường gồm khu tắm riêng cho từng giới, khu xông hơi và khu sinh hoạt chung. Những jjimjilbang quy mô lớn còn có phòng massage, phòng tập thể hình, phòng chiếu phim, phòng chăm sóc móng tay… Người Nhật thậm chí không có nhiều onsen phân chia khu vực, tuy nhiên, quy tắc bất thành văn của loại hình dịch vụ này là khách hàng không nhìn vào cơ thể người khác khi đang ở bể tắm.
Sau khi ngâm mình trong các bể tắm, du khách có thể tiếp tục tới các phòng sinh hoạt chung hoặc phòng xông hơi ở các jjimjilbang để trải nghiệm dịch vụ và chuyện trò, thư giãn cùng bạn bè, người yêu, gia đình, đồng nghiệp của mình. Đó là lý do người Hàn Quốc hiếm khi đi tắm jjimjilbang một mình mà thường đi cùng bạn bè, người thân. Các cơ sở jjimjilbang còn phát chăn, gối, nệm cho du khách nằm ngủ hoặc dùng bữa ăn nhẹ với bánh gạo, trứng gà.
Những quy tắc của onsen và jjimjilbang khác biệt khá lớn với tắm nước lá người Dao của Việt Nam. Tại Việt Nam, bể tắm nước lá Dao đỏ thường là bể cá nhân, mỗi khách hàng được phục vụ trong một không gian riêng tư, hoặc ít nhất cũng là bồn tắm riêng.
Nếu onsen và jjimjilbang tận dụng khoáng chất và đặc tính của nguồn nước sẵn có, thì thuốc tắm của người Dao lại được thực hiện bởi bàn tay con người. Loại nước tắm này được coi là bài thuốc bí truyền, bao gồm hàng chục vị thuốc lá, được lựa chọn tỉ mỉ, qua công đoạn sao khô, đun lấy cốt rồi hòa vào nước theo tỷ lệ nhất định.
Về công dụng, thuốc tắm của người Dao khá giống với nước khoáng nóng onsen. Nếu như ngâm mình trong dòng nước suối khoáng onsen, tùy loại thành phần khoáng chất có thể giúp da dẻ mịn màng, thải độc, hỗ trợ các bệnh xương khớp và phù hợp với mọi lứa tuổi thì việc tắm lá thuốc Dao cũng mang lại những tín hiệu tích cực với người cần chữa bệnh ngoài da, thấp khớp, mất ngủ, đặc biệt tốt cho phụ nữ sau sinh và những người lao động căng thẳng.