Từ vụ "bom nợ" Evergrande, làm gì để tránh điều tương tự ở Việt Nam?

Nguyễn Khánh

(Dân trí) - Từ vụ Evergrande, chuyên gia cho rằng, ngoài việc kiểm soát đầu cơ bất động sản cần kiểm soát bền vững tài chính của các công ty bất động sản.

Từ vụ bom nợ Evergrande, làm gì để tránh điều tương tự ở Việt Nam? - 1

Những người mua nhà đau khổ của Evergrande le lói hi vọng được cứu (Ảnh: AFP).

Tại buổi đối thoại chuyên đề "Evergrande: 'Bom nợ' bất động sản Trung Quốc và bài học cho Việt Nam" do Vneconomy vừa tổ chức, một câu hỏi nhiều người quan tâm được đặt ra, đó là hiện tượng tương tự "Evergrande" có dấu hiệu xuất hiện ở Việt Nam chưa? Khuyến nghị gì để Việt Nam tránh được những khủng hoảng như Evergrande.

Trả lời câu hỏi này, TS. Võ Đình Trí, Giảng viên Đại học Kinh tế TPHCM, Trường Kinh doanh IPAG tại Paris và thành viên Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam (AVSE) cho rằng, có những điều các nước đi trước, gặp phải rồi thì Việt Nam nên học hỏi để đỡ mắc sai lầm. Theo đó, qua câu chuyện Evergrande có một số bài học kinh nghiệm được rút ra cho bất động sản Việt Nam về mặt chính sách, quản lý vĩ mô.

Cụ thể, dẫn tình trạng giá bất động sản ở một số thành phố lớn ở Việt Nam đã và đang cao hơn so với thu nhập của người dân, ông Trí nhấn mạnh sự cần thiết có các giải pháp giảm dần tính đầu cơ trong bất động sản.

"Đã có rất nhiều kiến nghị về việc kiểm soát đầu cơ bất động sản như giải pháp thuế tài sản, thuế đánh trên giao dịch bất động sản...", ông Trí cho biết.

Ngoài ra, vị chuyên gia cho rằng cần xem xét lại cấu trúc tài chính của một số doanh nghiệp bất động sản. Nếu so với Evergrande thì theo ông Trí, cơ bản các doanh nghiệp Việt vẫn ổn. Tuy nhiên trên thực tế có thể thấy các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam đã huy động vốn qua kênh trái phiếu khá nhiều trong khi thị trường trái phiếu chưa trưởng thành, chưa có những cơ quan độc lập đánh giá xếp hạng tín nhiệm trái phiếu, thông tin tới nhà đầu tư chưa minh bạch, rõ ràng và rất rủi ro.

"Đối với các dự án tốt thì trái phiếu là một kênh huy động tốt. Song nhà đầu tư cần cẩn trọng với doanh nghiệp chạy theo phong trào, đẩy mạnh huy động vốn qua kênh trái phiếu, rủi ro rất lớn", ông Trí cảnh báo.

Vị chuyên gia cho rằng, ngoài việc kiểm soát đầu cơ bất động sản thì cần kiểm soát bền vững tài chính của các công ty bất động sản vì đằng sau các công ty này thường có liên đới tới các ngân hàng. Sự ổn định của hệ thống ngân hàng là rất quan trọng. Do vậy việc phòng ngừa từ xa là cần thiết.

Bàn về vấn đề này, TS. Lê Xuân Nghĩa - nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cũng cho rằng các doanh nghiệp lớn của Việt Nam cũng nên nhìn vào Evergrande để có bài học cho chính mình.

Dẫn chứng về một doanh nghiệp bất động sản lớn ở Việt Nam, ông Nghĩa cho biết tập đoàn này chủ yếu nhìn vào dòng tiền dương từ chứng khoán. Nếu trong trường hợp thị trường đi xuống thì phải tính tới những khó khăn trong việc huy động vốn.

Ông Nghĩa cũng cho rằng các cơ quan chức năng cần phải học tập, rút bài học sâu sắc về Evergrande. Bởi tình trạng tương tự có thể xảy ra bởi sự kém minh bạch hơn có thể bị che giấu bởi nhiều "bãi sương mù" về tài chính.

Thời gian qua, nhiều chuyên gia lên tiếng cho rằng nhìn từ bài học Evergrande của Trung Quốc, thị trường bất động sản Việt Nam có một số rủi ro cần phải được cảnh báo sớm. Bởi tương tự với Trung Quốc, Việt Nam cho phép các nhà kinh doanh bất động sản huy động vốn từ khách hàng để bán nhà hình thành trong tương lai. Hàng triệu người dân Trung Quốc đã đóng tiền đặt cọc mua nhà, góp tiền cho Evergrande phát triển những dự án nhà ở trong thời gian qua.

Nếu Evergrande phá sản, hàng triệu người mua nhà đóng tiền theo tiến độ sẽ bị ảnh hưởng nặng. Tương tự, người mua nhà hình thành trong tương lai tại thị trường Việt Nam cũng chịu rất nhiều rủi ro khi các chủ đầu tư gặp khó khăn tài chính.

Cũng liên quan đến vấn đề này, tại buổi họp báo công bố báo cáo thị trường bất động sản quý III, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng mức độ ảnh hưởng từ vụ Evergrande đến thị trường bất động sản Việt Nam là không có.

Theo ông Đính, ở Việt Nam từ năm 2017, Ngân hàng Nhà nước đã siết chặt tín dụng đổ vào thị trường bất động sản. Hầu hết các bất động sản triển khai phần lớn bằng nguồn lực tự có, huy động trên thị trường chứ không phục thuộc quá nhiều từ vốn tín dụng.