Tránh hoang phí khối tài sản nghìn tỷ, nên làm gì với dự án tái định cư?
(Dân trí) - Một số chuyên gia cho rằng chỉ cần có chính sách tái định cư chứ không cần có nhà tái định cư. Việc giao cho các doanh nghiệp xây để lấy tiền Nhà nước là không phù hợp.
Để người dân nhận tiền rồi tự quyết
Trái với cảnh nhộn nhịp ở nhiều chung cư nơi đô thị, một loạt dự án nhà tái định cư trên địa bàn Hà Nội nhiều năm nay bị bỏ hoang, vắng bóng người. Thậm chí vì không đưa vào sử dụng khiến đế một số tòa nhà trở thành nơi đổ rác thải, mất mỹ quan, vô cùng lãng phí.
Trao đổi với Dân trí về tình trạng nêu trên, ông Bùi Văn Doanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam, cho rằng nhà ở tái định cư cho dân mà chỉ giao cho các doanh nghiệp xây để lấy tiền Nhà nước là không phù hợp.
Cách tốt nhất, theo ông Doanh, Nhà nước nên định giá đúng rồi đền bù cho người dân bằng tiền để họ mua nhà ở theo nhu cầu. Để chọn được một nơi an cư, người dân phải tính toán đủ đường từ sinh kế, tập quán rồi nhiều mối quan hệ xã hội, chưa kể còn việc chọn trường, chọn lớp... cho con trẻ.
Ông Doanh lấy ví dụ, nếu người dân bị giải tỏa nhà đất đều sinh sống tại các quận trung tâm thì họ rất khó để chấp nhận các khu vực tái định cư quá xa, sinh hoạt bị đảo lộn.
"Đó là chưa nói tới nhiều người dân còn không thiện cảm với một số dự án nhà ở tái định cư chất lượng thấp, điều kiện ở không đầy đủ", ông Doanh nói và cho rằng tại một số dự án, có thể chấp nhận chuyển thành dự án thương mại để tiêu thụ được, tránh lãng phí bỏ hoang.
Rõ ràng, số nhà ở tái định cư chưa được đưa vào sử dụng đang "chôn" hàng nghìn tỷ đồng ngân sách. Nếu giải quyết sớm, không chỉ thu lại được vốn đang bị ứ đọng mà còn tạo thêm nguồn cung cho thị trường.
Còn theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM (HoREA) - người có đất bị thu hồi "giải tỏa trắng" tuy được bồi thường, tái định cư nhưng là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi nhất. Do vậy, cần phải hoàn thiện chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thật thỏa đáng để đảm bảo đầy đủ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người có đất bị thu hồi khi thực hiện các dự án hạ tầng, giao thông, để tạo được sự đồng thuận cao nhất trong các đối tượng xã hội bị tác động.
Tuy nhiên, theo ông Châu, khó nhất là việc tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách bồi thường hỗ trợ tái định cư, đảm bảo thỏa đáng quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người có đất bị thu hồi, trước hết là phải đảm bảo nguyên tắc "ngang giá" và nguyên tắc "tái định cư tại chỗ", để đạt được sự đồng thuận của các đối tượng bị thu hồi đất.
... hay tái định cư tại chỗ?
Theo ý kiến không ít chuyên gia, cần giải quyết triệt để bắt đầu từ chính sách về nhà tái định cư và thực hiện nó theo các nguyên tắc của nền kinh tế thị trường có định hướng.
Trong nền kinh tế thị trường, chúng ta phải sòng phẳng. Người dân đã sẵn sàng nhường lại đất đai, nhà cửa cho công tác giải phóng mặt bằng thì phải tính toán một cách đầy đủ để người dân có quyền lựa chọn nơi ở. Nhà tái định cư - không thể tùy tiện cấp cho chỗ này, chỗ kia.
Để giải quyết bài toán tái định cư, giải pháp mới đây được TPHCM nhắc đến đó là tái định cư tại chỗ. Cụ thể, Nhà nước sẽ thu hồi thêm đất ở hai bên hạ tầng đường mới để tái định cư cho người bị thu hồi đất, người có đất kề bên dự án. Như vậy, người dân bị thu hồi đất sẽ được tái định cư tại chỗ với diện tích nhỏ hơn, tỷ lệ nghịch với giá đất tăng thêm do hạ tầng dự án mang lại.
Nhận định về vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA cho rằng Đề án này phù hợp với các quy định pháp luật. Theo đó, phần đất có được do thu hồi đất rộng hơn kề bên hạ tầng, đường giao thông chẳng những được sử dụng để "thực hiện tái định cư tại chỗ", mà còn có thể được sử dụng để xây dựng các công trình phục vụ lợi ích công cộng như công viên, y tế, giáo dục… và phần đất dôi dư được bán đấu giá, hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất, để thu hồi một phần nguồn vốn đã đầu tư cho công trình hạ tầng, đường giao thông.
Cũng theo ông Châu, phương án bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư cần được đưa ra lấy ý kiến cộng đồng những người bị thu hồi đất; khi đạt được đa số ý kiến của cộng đồng đồng thuận (đa số thường được lấy là 2/3) thì phương án được phê duyệt. Thiểu số những người không đồng thuận vẫn được đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng theo phương án bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
"Cơ chế hoán đổi đất này chỉ thực hiện được đối với trường hợp thửa đất có diện tích lớn, có thể được hoán đổi bằng một nền (hoặc hơn một nền), hoặc bằng căn nhà độc lập để tái định cư, nhưng không phù hợp đối với người có diện tích đất nhỏ, hoặc giá trị nhà đất nhỏ, thì phải bổ sung cơ chế được hoán đổi căn hộ tái định cư trong nhà chung cư", ông Châu nói.
Theo PGS.TS. Trần Chủng - nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) - đa phần người dân đều có mong muốn tái định cư tại chỗ. Tuy nhiên thực tế vẫn sẽ có những dự án thực hiện được tái định cư tại chỗ nhưng phần nhiều chúng ta phải thực hiện phương án tái định cư tập trung và cũng có chỗ phải phân tán.
Việc thực hiện phải được linh hoạt trên cơ sở tìm hiểu, nghiên cứu, tinh thần làm việc trách nhiệm, tận tâm nên đưa cho người dân quyền lựa chọn. "Tái định cư cần sự linh hoạt và cũng cần sự vất vả, trách nhiệm rất cao của chính quyền. Chính quyền muốn vận động để người dân sẵn sàng trước tiên phải tôn trọng họ", ông Chủng nhấn mạnh.
Theo chuyên gia Bùi Văn Doanh, chủ trương tái định cư tại chỗ sẽ hợp lý vì dễ nhận được đồng thuận của người dân. Bởi vì nó dễ đảm bảo vấn đề về thói quen, sinh hoạt, sinh kế cùng các mối quan hệ khác…