TPHCM "hút" hơn 2,06 tỷ USD đầu tư vào bất động sản

(Dân trí) - Năm 2019, TPHCM đã thu hút nguồn vốn FDI được 8,3 tỷ USD. Trong đó, 2,06 tỷ USD đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, đứng thứ hai trong danh sách FDI và tăng gần gấp đôi so với năm 2018.

Theo Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), TPHCM có khoảng 415.000 doanh nghiệp. Trong đó, có gần 15.000 doanh nghiệp bất động sản.

Hiện nay, trong số 9.000 doanh nghiệp lớn của TPHCM thì có đến 30% là doanh nghiệp kinh doanh địa ốc. Đồng thời, bất động sản cũng chiếm hơn 70% tổng vốn đăng ký và đóng góp hơn 80% đối với khu vực kinh tế tư nhân.

Mặc dù có vị thế quan trọng, nhưng lĩnh vực bất động sản vẫn gặp nhiều khó khăn và ngày càng khắc nghiệt hơn. Tăng trưởng bình quân của lĩnh vực trong giai đoạn 2015-2019 chỉ đạt 4,3%, thấp hơn tốc độ tăng trưởng GRDP và hiện nay tỷ trọng đóng góp trong GRDP cũng thuộc hàng thấp nhất trong 9 ngành dịch vụ chủ yếu của thành phố.

TPHCM hút hơn 2,06 tỷ USD đầu tư vào bất động sản - 1
TPHCM: 9.000 doanh nghiệp thì có đến 30% là doanh nghiệp địa ốc

Trong 2 năm 2018-2019, hầu hết các doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn, quy mô thị trường và nguồn cung giảm mạnh, hàng loạt doanh nghiệp giảm doanh thu, lợi nhuận, giá nhà tăng, đông đảo người có thu nhập trung bình và thấp đô thị, người nhập cư ngày càng khó tạo lập nhà ở.

Năm 2019, chỉ có 4 dự án nhà ở thương mại được công nhận chủ đầu tư, giảm 24 dự án; chỉ có 16 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận đầu tư, giảm 64 dự án và chỉ có 7 dự án được chấp thuận đầu tư mới. Ngoài ra, chỉ có 47 dự án được xác nhận đủ điều kiện để huy động vốn, giảm 30 dự án so với năm 2018.

Cũng theo HoREA, đối với các doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên sàn chứng khoán năm 2019, hầu hết các doanh nghiệp đều có kết quả kinh doanh sụt giảm. Các doanh nghiệp chỉ đạt mức tăng trưởng bình quân doanh thu 7% và lợi nhuận sau thuế chỉ tăng 11%, thấp hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng lợi nhuận lên đến 47% của năm 2018.

Bên cạnh đó, điều đáng lo là tổng giá trị hàng tồn kho của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên sàn chứng khoán lên đến 223.474 tỷ đồng, tăng 38% so với năm 2018.

Trong đó, có đến 24 doanh nghiệp có giá trị hàng tồn kho trên 1.000 tỷ đồng và có 4 tập đoàn có giá trị hàng tồn kho từ 4.200 tỷ đồng đến 7.397 tỷ đồng. Riêng 2 tập đoàn hàng đầu lại có lượng hàng tồn kho chiếm đến 63% tổng giá trị hàng tồn kho.

HoREA nhận thấy, hàng tồn kho theo kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và trong quá trình phân phối lưu thông sản phẩm là điều bình thường, thậm chí có thể là một lợi thế của doanh nghiệp.

Nhưng, hàng tồn kho bất động sản sẽ trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp và cho nền kinh tế, nếu hàng tồn kho đó là bán thành phẩm (như do vướng mắc về pháp lý nên dự án bị dừng triển khai, không ra được sản phẩm làm tăng gánh nặng chi phí, lãi vay…), hoặc là thành phẩm nhưng không bán được hoặc chưa bán được, không có tính thanh khoản, có thể dẫn đến nguy cơ phá sản.

Đối với nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Hiệp hội cho biết, năm 2019 đạt trên 38 tỷ USD và cao nhất trong 10 năm qua. Trong đó, thị trường bất động sản cả nước chỉ thu hút được 3,88 tỷ USD. Tuy vẫn đứng thứ hai nhưng giá trị lại giảm gần một nửa so với năm 2018 và chỉ còn chiếm tỷ lệ 10,4% vốn đầu tư đăng ký.

Riêng TPHCM đã thu hút nguồn vốn FDI được 8,3 tỷ USD. Trong đó, có 2,06 tỷ USD đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, đứng thứ hai, chiếm 16,4%, tăng gần gấp đôi so với năm 2018.

Quế Sơn