TP.HCM bắt tay giải cứu bất động sản
Mỗi tuần, lãnh đạo TP.HCM sẽ tiếp xúc với 3 doanh nghiệp bất động sản đang gặp khó khăn trong phát triển dự án để tháo gỡ cho từng đơn vị.
Hạn chót mà địa phương này đưa ra để “giải cứu” thị trường bất động sản là ngày 30/4/2020.
Tín hiệu tích cực
Hôm qua (5/3), Phó chủ tịch UBND TP.HCM đã có buổi gặp gỡ với 3 doanh nghiệp bất động sản tại TP.HCM để lắng nghe và giải quyết những khó khăn mà các doanh nghiệp đang gặp phải. Hoạt động tiếp xúc lẻ này được thực hiện theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, do việc tiếp xúc tập trung như trước đây đạt hiệu quả không cao.
Trước đó, ngày 22/2, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cùng lãnh đạo các sở Tài nguyên và Môi trường, Quy hoạch - Kiến trúc, Xây dựng, Tư pháp… đã có buổi tiếp xúc với các doanh nghiệp bất động sản tại TP.HCM. Sau khi nghe các doanh nghiệp chia sẻ những khó khăn hiện nay khi phát triển dự án, lãnh đạo UBND Thành phố cho biết, đến ngày 30/4/2020, TP.HCM sẽ cơ bản giải quyết xong khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp đã gửi kiến nghị lên Thành phố.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, nhiều doanh nghiệp địa ốc vui mừng cho biết, họ đã được giải quyết khó khăn trong phát triển dự án. Theo bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai, trong 12 dự án của Công ty bị “đứng hình” từ cuối năm 2019 tới nay, đã có 6 dự án được giải quyết khó khăn để triển khai xây dựng.
Ông Bùi Xuân Huy, Tổng giám đốc Tập đoàn Novaland cho biết, trong những tháng gần đây, UBND TP.HCM và các sở, ban, ngành đã tháo gỡ các vướng mắc tại một số dự án của Tập đoàn. Chẳng hạn, Khu chung cư Cô Giang tại số 100 - Cô Giang, phường Cô Giang, quận 1 đã được UBND TP.HCM giao đất, Sở Xây dựng cấp phép xây dựng; Dự án Trung tâm thương mại, văn phòng, officetel và căn hộ tại số 151-155 Bến Vân Đồn, phường 6, quận 4 đã được UBND TP.HCM, Sở Tài nguyên và Môi trường duyệt giá tiền sử dụng đất…
Vẫn còn tình trạng “trên chỉ đạo, dưới chưa thông”
Bên cạnh những tín hiệu tích cực như trên, nhiều doanh nghiệp cho biết, vẫn còn tình trạng trên chỉ đạo phải thông, nhưng các sở, ngành vẫn không thông.
Cụ thể, theo ông Nguyễn Văn Đực, Giám đốc Công ty Địa ốc Xanh, Công ty mất gần 2 năm xin phép phát triển dự án tại quận 8, nhưng đang vướng trong khâu đóng tiền sử dụng đất, dù doanh nghiệp đã xin được đóng từ năm 2018 tới 2019 mà chưa được chấp thuận.
Ông Đực cho biết, doanh nghiệp đã gửi đơn lên UBND TP.HCM xin giải quyết khó khăn và đã 4 lần được ông Nguyễn Hữu Tín, Phó chủ tịch UBND Thành phố ký văn bản chỉ đạo quận và Sở Tài nguyên và Môi trường giải quyết, nhưng tới nay, lãnh đạo các sở, ngành vẫn chưa giải quyết cho doanh nghiệp. “Hiện Văn phòng UBND TP.HCM và Sở Tài nguyên và Môi trường làm rất chậm, nên doanh nghiệp gặp khó khăn khi làm việc với các đơn vị này”, ông Đực nói.
Còn theo bà Nguyễn Thị Như Loan, Quốc Cường Gia Lai có một dự án nộp hồ sơ phát triển tại Sở Xây dựng vào ngày 6/1/2020, tới ngày 14/1, Sở chuyển hồ sơ tới các sở, ban, ngành để xử lý. “Chúng tôi phải tới từng sở, ngành nhờ các chuyên viên có văn bản trả lời cho Sở Xây dựng để Sở tổng hợp lại gửi UBND Thành phố, nhưng tới nay vẫn không nhận được những câu trả lời từ sở, ngành, dù theo quy định của UBND TP.HCM, tối đa 15 ngày sau khi nhận hồ sơ, cơ quan chức năng phải thông báo thủ tục nhận hồ sơ và trả lời doanh nghiệp”, bà Loan nói.
Ông Nguyễn Thành Phong thừa nhận, một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng ách tắc của dự án là các quy định pháp luật về đầu tư, nhà ở, đất đai, quy hoạch đô thị chưa có sự thống nhất trong quá trình chuyển tiếp và ban hành. Cùng với đó, nhiều dự án trong quá trình thanh tra, kiểm tra, rà soát thủ tục pháp lý, dẫn đến việc đùn đẩy giải quyết của các cơ quan quản lý nhà nước, chưa đảm bảo một quy trình liên thông, đồng bộ.
“Các sở, ban, ngành cần phải đặt mình vào vị trí của doanh nghiệp để thấy được khó khăn của họ và mới thấy bức xúc như thế nào. Các doanh nghiệp phải chờ đợi trong thời gian dài, ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư, xây dựng”, ông Phong nói.
Từ thực tế trên, ông Phong chỉ đạo các sở, ngành tổng hợp các ý kiến của doanh nghiệp để xử lý hoặc xin ý kiến Chính phủ, các bộ, ngành xử lý. “Tôi đề nghị làm ngay, phối hợp với Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) để hệ thống lại các vướng mắc của doanh nghiệp và đề xuất giải pháp tháo gỡ”, ông Phong nhấn mạnh.
Môi trường kinh doanh bất động sản tại TP.HCM còn tù mù
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng, môi trường kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản tại TP.HCM chưa minh bạch, chưa công bằng, vẫn còn “tù mù”, vẫn còn dấu hiệu “nhóm lợi ích”. Cùng mặt bằng pháp lý như nhau, nhưng có địa phương vướng, có địa phương thì không. Các dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp (xen kẹt đất nhà nước quản lý) như nhau, nhưng một số dự án được phê duyệt đầu tư xây dựng, nhiều dự án khác lại chưa được phê duyệt. Rõ ràng, điều này chưa đảm bảo tính công bằng và lãnh đạo TP.HCM phải xem lại vấn đề này.