Tích luỹ chưa có, người trẻ nên tính thuê nhà để "có chỗ ở" hay giữ tâm lý "phải sở hữu nhà"?
(Dân trí) - Một số chuyên gia cho rằng, với người trẻ, chưa có nhiều tích lũy, có thể cân nhắc không nên dốc hết tiền mua nhà mà vẫn có chỗ ở như mong muốn bằng cách đi thuê nhà tại những dự án phù hợp với khả năng tài chính.
Phát biểu tại hội thảo về chính sách phát triển nhà ở xã hội vừa diễn ra, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, nhà ở xã hội hiện mới đạt khoảng 33% so với mục tiêu cần có 12,5 triệu m2 đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020.
Bên cạnh những hạn chế về nguồn vốn, quỹ đất, nhà đầu tư, đáng lưu ý, ông Sinh chỉ ra rằng, tâm lý chỉ muốn mua sở hữu thay vì thuê nhà ở cũng là một trong những nguyên nhân cản trở việc phát triển nhà ở xã hội.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Xây dựng cho rằng, về lâu dài, người dân cần chuyển từ quan niệm "phải sở hữu nhà" sang "có chỗ ở", tức là có thể đi thuê nhà.
"Hiện nhu cầu nhà ở rất cao, song giá nhà tại các thành phố lớn của Việt Nam vẫn cao so với thu nhập bình quân nên việc tiếp cận của những đối tượng này còn hạn chế. Với người trẻ, chưa có nhiều tích lũy, có thể cân nhắc không nên dốc hết tiền mua nhà mà vẫn có chỗ ở như mong muốn bằng cách đi thuê nhà tại những dự án phù hợp với khả năng tài chính cũng như thuận lợi cho công việc của mình", ông Nam nói.
Cách đây không lâu, tại một toạ đàm về nhà ở xã hội, một đại diện khác từ Bộ Xây dựng, ông Vũ Văn Phấn - Phó cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường Bất động sản cũng cho rằng, về phía ng dân, tâm lý người Việt Nam luôn muốn an cư lạc nghiệp nhưng quan điểm là cứ phải sở hữu mới an cư.
"Nhưng như vậy là không đúng. Nếu kinh tế còn đang phải lo cho đời sống hàng ngày thì phải đi thuê. Quy định dành 20% dự án nhà ở xã hội để cho thuê nhưng phần này thường rất khó cho thuê bởi dân chỉ muốn mua, không mấy ai muốn thuê cả. Tôi cho rằng, nếu anh ở mức kinh tế trung bình thì mua, thấp vừa vừa thì mua. Mà mua cũng phải mua loại tuỳ thuộc vào khả năng của mình, kể cả có được nhà nước hỗ trợ đi nữa chứ thu nhập thấp đừng tính mua, lại còn tính mua lớn thì không được", ông Phấn nói.
Chia sẻ kinh nghiệm tại Hàn Quốc, ông Kim Nam Jung, từ Viện Đất đai và Nhà ở Hàn Quốc (LHI Consortium) cho hay, phân khúc nhà ở xã hội tại Hàn Quốc được chia thành nhiều nhóm nhỏ, bao gồm cả nhóm nhà cho thuê, được tài trợ bởi chính quyền địa phương, trung ương hoặc Quỹ nhà ở quốc gia.
"Giá thuê của những căn hộ này dưới mức thị trường với thời hạn thuê từ 5 - 50 năm. Nhóm nhà ở cho thuê là công trình tư nhân nhưng có giá thuê không ổn định và thường thời hạn chỉ 5 năm. Với các loại hình này, Hàn Quốc đều có chính sách bảo vệ người thuê, mua lại nhà cho thuê mất khả năng thanh toán, thu hồi tiền ký gửi cho thuê, các tài trợ và hỗ trợ thông qua quỹ nhà ở và đô thị", ông Kim Nam Jung cho hay.
Không chỉ Việt Nam, trước đó, một báo cáo của Hãng tư vấn dịch vụ Savills cũng chỉ ra rằng, ở nhiều nơi trên thế giới, thế hệ Y (hay còn gọi là thế hệ Millennials, sinh năm 1981 – 1991) hiện đang gặp khó khăn trong việc sở hữu bất động sản.
Ở Australia, số lượng người trong độ tuổi 25 – 34 chỉ chiếm 45% tổng số người sở hữu nhà (tỷ lệ này đã từng là 58% vào năm 1986). Ở Mỹ, tỷ lệ này là 31% cho những người dưới 35 tuổi, suy giảm so với số liệu của năm 1995 là 39%. Trong khi đó, bộ phận khách hàng dưới 35 tuổi chỉ nắm giữ 5% tổng giá trị nhà được sở hữu tại Anh Quốc, và hiện đang phải trả mức giá thuê nhà cao gấp 4,5 lần so với lãi suất cho vay thế chấp.
Còn tại Việt Nam, theo kết quả Điều tra Dân số và Nhà ở giữa kỳ thời điểm 1/4/2014, tỷ lệ dân số sở hữu nhà hiện chiếm 90,8%, có phần giảm nhẹ so với tỷ lệ này trong năm 2009 là 92,8%. Tuy vậy, nếu phân tích sâu hơn thì tỷ lệ này là kết quả của việc thế hệ trẻ Việt Nam được thừa kế bất động sản nhà ở từ thế hệ trước hoặc được hỗ trợ đáng kế khi mua nhà.
Theo ông Dương Đức Hiển, Giám đốc Kinh doanh Nhà ở, Savills Hà Nội cho rằng, nếu không có sự giúp đỡ của thế hệ trước, việc sở hữu nhà ở đối với những khách hàng dưới 35 tuổi là khá khó khăn.
“Có một thực tế là thu nhập của khách hàng trẻ chưa thể đáp ứng được với giá nhà ở tại các thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM. Giá một căn hộ chung cư trung cấp 2 phòng ngủ tại Hà Nội dao động từ 3 – 6 tỷ đồng tương đương với 140.000 USD – 200.00 USD, xấp xỉ với các thị trường phát triển. Trái lại, mặt bằng thu nhập tại Việt Nam chưa thể sánh ngang,” ông Hiển nói thêm.
Ông Hiển cũng nhấn mạnh: "Sự hỗ trợ của gia đình hiện đang góp phần đáng kể của trong tiềm lực tài chính của người mua nhà trẻ tại Việt Nam. Vấn đề này sẽ thúc đẩy người mua nhà sử dụng đòn bẩy tài chính, một công cụ vốn chưa thực sự phổ biến. Sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong những năm tới được kỳ vọng sẽ nâng cao thu nhập của người dân, dần thu hẹp khoảng cách giữa giá nhà ở và thu nhập của khách hàng".
Phương Dung