Thi nhau rao công trình xanh, thực tế có bao nhiêu dự án được chứng nhận?

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Theo thống kê của IFC, đến quý 3/2020, tổng số công trình xanh được chứng nhận tại Việt Nam mới chỉ dừng lại ở con số 155 công trình, một con số khá khiêm tốn so với các nước trong khu vực.

Vài năm gần đây, trào lưu xây dựng công trình xanh khá rầm rộ trên thị trường. Từ dự án bình dân đến dự án cao cấp, từ biệt thự đến căn hộ chung cư, các dự án thi nhau gắn với mác “xanh”.

Nếu quảng cáo công trình xanh, dự án sẽ nhận được sự quan tâm rất lớn từ khách hàng. Tuy nhiên, thế nào là công trình xanh thì không phải ai cũng hiểu, thậm chí có những dự án chỉ bố trí một vài không gian trồng cây xanh rồi tự nhận “công trình xanh”.

Thi nhau rao công trình xanh, thực tế có bao nhiêu dự án được chứng nhận?  - 1
Tính đến quý 3/2020, tổng số công trình xanh được chứng nhận tại Việt Nam mới chỉ dừng lại ở con số 155 công trình.

Hội đồng Công trình xanh thế giới đã định nghĩa: Công trình xanh là công trình trong thiết kế, xây dựng hoặc vận hành giảm thiểu các tác động xấu và có thể tạo ra những tác động tích cực đối với khí hậu và môi trường của chúng ta. Công trình Xanh bảo tồn tài nguyên thiên nhiên quý giá và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Theo các chuyên gia, giải pháp sử dụng cây xanh để giảm nhiệt độ mặt sàn, làm sạch, dịu không khí đối với công trình xây dựng chỉ là một trong nhiều giải pháp tiết kiệm năng lượng đang được áp dụng nhiều tại Việt Nam hiện nay.

Đánh giá về việc phát triển công trình xanh tại Việt Nam hiện nay, một chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản đã từng nhận định mâu thuẫn giữa chi phí và lợi ích là nguyên nhân cơ bản cản trở xu hướng xanh hóa.

Cụ thể, theo tính toán, chi phí để làm công trình xanh thường cao hơn vài phần trăm so với công trình thông thường. Dù lợi ích thu về lớn hơn chi phí bỏ ra, tuy nhiên, đó lại là lợi ích trong dài hạn.

Trong một thông cáo mới phát đi, Bộ Xây dựng cho biết, thực tế những năm gần đây cho thấy các doanh nghiệp xây dựng có nhiều thay đổi trong việc cung cấp ra thị trường những công trình có nhiều yếu tố xanh.

Các dự án trình diễn của UNDP về ứng dụng các giải pháp kỹ thuật giảm thiểu tiêu thụ năng lượng trong công trình mới và công trình cải tạo cho thấy tiềm năng tiết kiệm năng lượng có thể đạt được từ 25% - 67%/công trình, với chi phí gia tăng từ 0% - 3% tổng mức đầu tư/công trình và thời gian hoàn vốn tối đa là 5 năm.

Tuy nhiên dẫn thống kê của IFC, Bộ Xây dựng cho biết đến quý III năm 2020, tổng số công trình xanh được chứng nhận tại Việt Nam mới chỉ dừng lại ở con số 155 công trình, một con số khá khiêm tốn so với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới”, đại diện Bộ Xây dựng nhận xét.

Theo đại diện Bộ Xây dựng, sắp tới đơn vị này kết hợp với UNDP tổ chức sự kiện Tuần lễ Công trình Xanh Việt Nam năm 2020. Tại chương trình này, các diễn giả đến từ các ban, bộ ngành trung ương, các chuyên gia quốc tế và trong nước trong lĩnh vực xây dựng, thực thi chính sách, tư vấn thiết kế, đầu tư – xây dựng công trình hiệu quả năng lượng, công trình xanh, đô thị xanh, các nhà cung cấp giải pháp về công nghệ, thiết bị, vật liệu hướng tới yếu tố xanh và phát triển bền vững.

Ông Lê Quang Hùng - Thứ trưởng Bộ Xây dựng - cho biết: Hiện không chỉ các công trình có tầm cỡ mà ngay cả những mô hình xây dựng dân sinh cũng đã nhằm đến các loại vật liệu xây dựng có tính chất tiết kiệm năng lượng chứ không đơn thuần chỉ mang nặng kiểu “nồi đồng, cối đá” như trước đây.

Ngoài ra, các chuyên gia trong ngành xây dựng cũng chỉ ra rằng, với điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng ẩm như Việt Nam, nếu vật liệu xây dựng không đảm bảo tốt các yếu tố: Cách nhiệt, chống thấm dột, ẩm mốc, bền vững, khó bị hư hoại trước những tác động khắc nghiệt… thì trong quá trình vận hành các công trình xây dựng sẽ phải sử dụng thiết bị điều hòa, thông gió nhân tạo, có thể hiệu quả, xong lại kéo theo một chi phí rất tốn kém.

Bên cạnh đó, việc sử dụng vật liệu xanh trong xây dựng cũng là một giải pháp tối ưu trong việc tiết kiệm năng lượng trong xây dựng như sử dụng gạch không nung trong xây dựng, đỡ tốn kém nhiên liệu nung, giảm khí thải và ô nhiễm nhiệt, tạo loại vật liệu thân thiện với môi trường.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm