Thành phố Thủ Đức là "cú hích" đô thị hóa tại TPHCM
(Dân trí) - "Tiến trình phát triển đô thị và đô thị hóa tại TPHCM đang theo diễn biến tăng trưởng mạnh và bền vững nhờ thành lập TP. Thủ Đức", ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA nói.
Ngày 6/1, tại TPHCM đã diễn ra hội thảo "Phát triển các mô hình đô thị và bài toán nhà ở" do VTV Digital tổ chức. Nhiều ý kiến đánh giá cao việc thành lập Thành phố Thủ Đức là "cú hích" đô thị hóa tại TPHCM. Mặc khác, các chuyên gia cũng lo ngại tình trạng khan hiếm nhà ở phù hợp túi tiền và đề nghị cần có cơ chế để người dân tiếp cận nhà ở xã hội và giá rẻ.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng quản lý quy hoạch chung, Sở Quy hoạch và kiến trúc TPHCM cho biết, thành phố đang điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Đồng thời định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành dịch vụ, trở thành đô thị thông minh, phát triển tương tác cao trên nền tảng thành lập TP. Thủ Đức.
Bên cạnh đó, đầu tháng 3/2021, TP. Thủ Đức sẽ đi vào hoạt động. Thành phố sẽ hình thành mô hình đô thị phức hợp gồm: Khu đô thị đại học, đô thị công nghệ cao, đô thị nông nghiệp… Bên cạnh đó, còn hình thành hàng loạt các mô hình đô thị khác xung quanh TPHCM và các tỉnh lân cận.
Theo ông Tuấn, khi hình thành bất kỳ một đô thị mới cần phải có chính sách thu hút người dân về ở. Vì thế, TPHCM đang đưa ra nhiều giải pháp về quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết từng khu đô thị… Đồng thời tạo cơ chế chính sách thông thoáng để hỗ trợ người dân tiếp cận được nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM cho rằng, khó khăn lớn nhất của thị trường bất động sản hiện nay là có nhiều dự án nhà ở bị ách tắc, dẫn đến tình trạng thiếu nguồn cung sản phẩm, nhất là loại hình nhà ở thương mại có giá bán vừa túi tiền, nhà ở xã hội.
"Do tình trạng mất cân bằng "cung - cầu" trong lúc nhu cầu quá cao, làm cho giá nhà dễ bị đẩy lên cao, dễ xuất hiện tình trạng đầu cơ, đầu tư lướt sóng. Tuy nhiên, dự báo bước sang năm 2021, thị trường bất động sản sẽ tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng trở lại, trong đó nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ sẽ là cú hích", ông Châu nói.
Theo ông Châu, vừa qua Nhà nước đã có một số cơ chế chính sách mới như sửa đổi Luật Đầu tư, Luật Xây dựng… Trong khi đó, tiến trình phát triển đô thị và đô thị hóa tại TPHCM đang theo diễn biến tăng trưởng mạnh và bền vững nhờ thành lập TP. Thủ Đức. Ngoài ra, TPHCM xác định giai đoạn từ năm 2021-2025 sẽ có tổng diện tích nhà ở xây dựng mới đạt 50 triệu m2.
Hiện nay, TPHCM đang triển khai các dự án nhà ở xã hội và có khả năng cung ứng 36,47 triệu m2 sàn nhà, tương đương 329.471 căn nhà, đáp ứng cho khoảng 1,08 triệu người. Để đạt được các chỉ tiêu đề ra, thành phố cần tới nguồn vốn 965.000 tỷ đồng để đầu tư và 3.541 ha quỹ đất.
Tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, hiện nay vẫn còn xung đột giữa pháp luật về đất đai với luật chuyên ngành như đầu tư, đấu thầu… khiến luật ra sau có thể phủ nhận luật trước.
Theo ông Thọ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang đề xuất xây dựng trung tâm phát triển quỹ đất ở các địa phương, để tạo ra quỹ đất sạch. Từ đó thực hiện thành công vấn đề này cần có sự phối hợp giữa doanh nghiệp, Nhà nước, sự đồng thuận của nhân dân.
"Chỉnh trang đô thị phải được tiến hành theo phương pháp "dồn điền đổi thửa" nhằm phát triển hạ tầng, tạo điều kiện kết nối giao thông. Đây là giải pháp có tính mấu chốt, đặc biệt đối với các đô thị lớn như TPHCM khi cơ sở hạ tầng đang trong tình trạng quá tải", PGS.TS Nguyễn Đình Thọ cho hay.