Thành phố cấm sử dụng điện thoại khi đi bộ
(Dân trí) - Các quan chức Yamato cho rằng đây là chính sách cần thiết và nhiều khả năng sẽ thành công dù không có hình phạt.
Khi xuống tàu tại thành phố Yamato, một khu ngoại ô nằm cách Tokyo khoảng 30km, bạn có thể sẽ chú ý tới những tấm biểu ngữ trắng bay phấp phới trước nhà ga. Đây là thông báo của chính quyền thành phố về lệnh cấm người đi bộ sử dụng điện thoại.
Khiến người dân rời bỏ điện thoại để có thể đi lại an toàn hơn là điều mà nhiều thành phố phải đau đầu. Vì sao Yamato lại tự tin chính sách của mình có thể thay đổi hành vi của cư dân và đạt hiệu quả?
"Zombie điện thoại"
Đường phố Nhật Bản tràn ngập arukisumaho, một thuật ngữ được sử dụng để mô tả những người đi bộ chậm chạp, lúc nào cũng cúi đầu dán mắt vào màn hình điện thoại của mình. Nghĩa rộng của từ này là "zombie điện thoại".
Hồi đầu năm, Yamato đã tiến hành khảo sát ở hai địa điểm và phát hiện ra rằng khoảng 12% trong số 6.000 người đi bộ được ghi nhận của thành phố vừa đi vừa sử dụng điện thoại.
"Hành động trên đơn giản là nguy hiểm," thị trưởng Satoru Ohki nhận xét. Ban đầu ông Ohki đưa ra ý tưởng với các nhà lập pháp địa phương và sau khi tiến hành tham vấn cộng đồng, ông nhận thấy rằng cứ 10 người thì có 8 người ủng hộ ý tưởng này. Vì vậy, lệnh cấm sử dụng điện thoại khi đi bộ đã có hiệu lực thông qua sắc lệnh của thành phố.
Trong vài ngày đầu tiên sau khi ban hành lệnh cấm, thành phố đã thuê một số người mặc áo vest nổi bật, cầm các biển báo trước ga Yamato trong khi thông điệp về chính sách mới được phát từ đĩa CD.
Do Covid-19 nên hoạt động này đã được tạm ngừng. Thay vào đó, chính quyền Yamato đã treo biểu ngữ bằng vải ở lối ra nhà ga.
"Tôi tin là chúng ta có thể đặt lòng tin vào người dân Yamato", ông Ohki nói.
Đây không phải là lần đầu tiên một quốc gia thực hiện các biện pháp ngăn ngừa thương tích như vậy. Ilsan, một thành phố ở Hàn Quốc, đã lắp đèn nhấp nháy và tia laze tại các ngã tư đường để cảnh báo những người vừa đi bộ vừa dùng điện thoại, trong khi chính quyền thành phố Trùng Khánh, Trung Quốc mở "làn đường điện thoại di động" dài 30m trên những con đường dành cho người đi bộ bận sử dụng điện thoại. Tại Honolulu, Hawaii, "Luật Đi bộ Mất tập trung" có thể khiến bạn bị phạt vì nhắn tin khi đang đi bộ qua đường. Tuy nhiên, Yamato không có hình phạt cho những người vi phạm quy tắc; thay vào đó các nhà chức trách trông chờ vào một sự thay đổi trong hành vi.
Không có hình phạt vẫn hiệu quả?
Nhật Bản thường được mô tả là một nền văn hóa theo chủ nghĩa tập thể, nơi khái niệm wa (hòa hợp) trong một nhóm được coi là quan trọng hơn việc thể hiện ý kiến cá nhân. Đó là lý do tại sao, trong đại dịch, người Nhật ra đường đều đeo khẩu trang dù không bị bắt buộc.
Rõ ràng, người Nhật nhận thức được sự nguy hiểm đối với bản thân và những người khác khi sử dụng điện thoại trong khi đi bộ. Trong một cuộc khảo sát năm 2019 với 562 người dùng điện thoại thông minh ở Nhật Bản, 96,6% người được hỏi cho biết họ nhận thức được mối nguy hiểm, 13,2% đã từng bị va chạm trực tiếp trong khi 9,5% cho biết họ bị thương do arukisumaho.
Nhưng một lệnh cấm không có hình phạt cụ thể liệu có thể thực sự tạo hiệu ứng?
Naota Suzuki, một luật sư tại Văn phòng Luật Nakamura ở Shibuya, chỉ ra rằng "có những luật không có hình phạt nhưng vẫn có hiệu quả".
Ông cho rằng, những luật kiểu này có thành công hay không còn bắt nguồn từ khái niệm meiwaku (tạm dịch "gây phiền toái cho người khác") của Nhật Bản. Người Nhật nhìn chung thường e ngại vấn đề này.
Ví dụ, ở Nhật có luật bất thành văn là không được sử dụng điện thoại trên các phương tiện giao thông công cộng. Mặc dù đây không phải là lệnh cấm nhưng người ta vẫn tự hạn chế rất nhiều. Hồi tháng 4, khi người dân được yêu cầu ở nhà và các doanh nghiệp phải đóng cửa để hạn chế sự lây lan của Covid-19, họ đã tuân thủ chặt chẽ mặc dù không có hình phạt nào được đưa ra.