"Sốt" đất hầm hập: Có nơi tăng gấp 3, bất ngờ xuất hiện chỗ chạm đáy

(Dân trí) - "Sốt" đất hầm hập, có nơi tăng gấp 3: Hé lộ thị trường được "săn" nhiều nhất; Dân Đồng Kỵ bán đất lấy tiền nhập gỗ, giá nhiều nơi chạm đáy... là những thông tin bất động sản nổi bật tuần qua.

"Sốt" đất hầm hập, có nơi tăng gấp 3: Hé lộ thị trường được "săn" nhiều nhất

Giá bất động sản tăng nhanh tại nhiều thị trường mới, với mức tăng phổ biến 10-30%, một số nơi giá đất tăng gấp 2-3 lần trong thời gian ngắn.

Đó là thông tin đáng chú ý được ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng Giám đốc batdongsan.com.vn - cho biết tại buổi họp báo công bố về thị trường bất động sản quý I/2021, diễn ra ngày 6/4.

Không chỉ các tỉnh thành vệ tinh mà khu vực vùng ven quanh bán kính 20km của Hà Nội cũng chứng kiến mức độ quan tâm tăng đáng kể trong quý 1/2021. Cụ thể, Đông Anh (Hà Nội) tăng 36%, Từ Sơn (Bắc Ninh) tăng 67%, Gia Lâm (Hà Nội) tăng 18%, Ba Vì (Hà Nội) tăng 33%, Quốc Oai (Hà Nội) tăng 32%, Văn Giang (Hưng Yên) tăng 13%, Thanh Trì (Hà Nội) tăng 8%, Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm (Hà Nội) tăng 4%.

Dân Đồng Kỵ bán đất lấy tiền nhập gỗ, giá nhiều nơi gần như chạm đáy

Do đại dịch, hoạt động kinh doanh ở làng Đồng Kỵ (Từ Sơn, Bắc Ninh) tê liệt một thời gian dài. Không ít hộ phải bán đất trả lãi ngân hàng, khi dịch ổn lại phải bán cắt lỗ nhập gỗ khôi phục sản xuất.

Sốt đất hầm hập: Có nơi tăng gấp 3, bất ngờ xuất hiện chỗ chạm đáy - 1
Do đại dịch, hoạt động kinh doanh ở làng Đồng Kỵ tê liệt một thời gian dài.

"Người bán để trả nợ, người bán để phát triển kinh doanh nên đất ở khu vực Từ Sơn đang được rao bán rất nhiều", chị D - một người kinh doanh gỗ tại Từ Sơn nói. Song, cũng theo chủ xưởng gỗ này, lượng cung cao hơn nhu cầu thực tế, nên giá đất ở đây đang chạm đáy.

Từ Sơn vốn là nơi giao lưu mua bán gỗ rất nhộn nhịp của khách trong và ngoài nước. Do đó, có rất nhiều người tìm về đây mua nhà, đất để làm ăn kinh doanh, xây dựng nhà xưởng. Thế nhưng, sau ảnh hưởng của dịch bệnh, giá đất ở đây đã "hạ nhiệt" rất nhiều.

Giá đất tăng 200%: Nhiều thông tin mới chỉ rò rỉ, giá đã bị đẩy lên rất cao

Tại tọa đàm "Giải mã cơn sốt đất", ông Lê Văn Bình - Cục trưởng Cục Kinh tế và Phát triển quỹ đất (Tổng cục Quản lý đất đai) - cho biết, cơn sốt đất lần này có nhiều nguyên nhân, trong đó có những nguyên nhân cộng hưởng. Yếu tố đầu tiên là do quy hoạch.

Sốt đất hầm hập: Có nơi tăng gấp 3, bất ngờ xuất hiện chỗ chạm đáy - 2

Ông Lê Văn Bình - Cục trưởng Cục Kinh tế và Phát triển quỹ đất (Tổng cục Quản lý đất đai).

Ông Trần Ngọc Minh, Trưởng phòng Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản - Sở Xây dựng Hà Nội, cũng đồng tình cho rằng hiện nay, "cơn sốt" đất ở Hà Nội có một số nguyên nhân như ông Bình phân tích. Theo đó, việc "sốt đất" do một số nguyên nhân như tính chu kỳ, xu hướng đầu tư của dòng tiền và quy hoạch.

Bên cạnh đó, ông Minh cho biết còn có một số nguyên nhân khác: Thứ nhất, 2021 là năm đầu tiên chúng ta thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ 17 và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, trong đó có chỉ tiêu về phát triển nhà ở, cải thiện điều kiện nhà ở cho người dân….

"Giá đất được đẩy lên cao nhất trong thời gian qua là đất ở nông thôn, đất vườn ao, đất lâm nghiệp… Có những nơi tăng lên 100%, có nơi tăng đột biến 200%", ông Minh nói. 

"Sốt" đất dữ dội: "Thổi giá" thu lời trăm nghìn tỷ đồng, có nên hình sự hóa?

Luật sư Trần Minh Cường, Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng, để hạn chế sốt đất trong tương lai rất cần tiếp tục minh bạch, công khai các thông tin về quy hoạch sử dụng đất, các dự án đầu tư lớn đã được phê duyệt.

Sốt đất hầm hập: Có nơi tăng gấp 3, bất ngờ xuất hiện chỗ chạm đáy - 3
Hình minh họa.

Hiện nay theo quy định trong Luật đất đai và Luật tiếp cận thông tin, các cơ quan nhà nước đang nắm giữ thông tin quy hoạch được phê duyệt có trách nhiệm cung cấp cho người dân và người dân được quyền tiếp cận các thông tin này.

Đáng chú ý theo vị luật sư này, cần xem xét hình sự hóa hành vi "thổi giá" gây sốt đất ảo thu lợi hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng. Bởi đây là một hành vi gây nguy hiểm cho xã hội, ảnh hưởng đến lợi ích cộng đồng, nghiên cứu xây dựng tội danh mới trong Bộ Luật Hình sự liên quan đến hành vi này, dù hiện đã có quy định về tội Đầu cơ tại Điều 196 Bộ luật hình sự 2015.