Sống khổ nhưng dân phố cổ Hà Nội vẫn không muốn rời đi

Việt Vũ

(Dân trí) - Đối lập với sự nhộn nhịp ở mặt đường phố cổ Hà Nội, sâu bên trong những con ngõ nhỏ lại như một thế giới khác: thế giới của muôn vàn sự bất tiện.

Phố cổ - "phố khổ"

Khu phố cổ có diện tích 81 ha, nằm trên địa bàn 10 phường thuộc quận Hoàn Kiếm. Dân số tại khu vực này vào năm 2019 là 42.000 hộ dân, mật độ dân số đạt 39.830 người/km2, gấp 137,3 lần mật độ dân số toàn quốc.

Nơi đây đang tồn tại hàng trăm ngôi nhà cổ xen kẽ nhà tập thể được xây dựng từ trăm năm trước, hiện đã xuống cấp nghiêm trọng. Một số nhà tại phố cổ có thể là nơi ở của vài hộ, thậm chí cả chục hộ cùng chung sống.

Sống khổ nhưng dân phố cổ Hà Nội vẫn không muốn rời đi - 1
Cuộc sống ở phố cổ đối mặt với muôn vàn bất tiện.

Đơn cử tại số nhà 44 Hàng Bè, có hơn 10 hộ dân sinh sống, hoặc tại căn biệt thự cổ duy nhất tại Ngõ Trạm cũng có 12 - 13 hộ dân;...

Sống khổ nhưng dân phố cổ Hà Nội vẫn không muốn rời đi - 2

Những "con đường mật đạo” giữa lòng phố cổ.

“Đặc sản” tại phố cổ chắc chắn là con ngõ nhỏ ngoằn ngoèo, sâu hun hút và tối tăm, giống như một mật đạo thời chiến tranh. Một số con ngõ siêu nhỏ “nổi tiếng” của phố cổ như: 44 Hàng Buồm, 47 Hàng Đường, 68 Hàng Bông, 73 Hàng Gai;...

Hầu hết, những con ngõ nhỏ tại phố cổ chỉ rộng chưa tới 100 cm và chỉ vừa cho một người lớn di chuyển. Đối với người dân sinh sống tại các con ngõ này, việc đi lại tương đối đơn giản, vì họ đã quen với cuộc sống chật chội, tối tăm.

Nhưng, với những người khách lạ, lần đầu tiên trải nghiệm cuộc sống phố cổ, bắt buộc phải mang theo đèn pin để soi đường. Nếu không chuẩn bị trước, khách du lịch sẽ dễ bị va vấp vào tường, bậc thang hoặc bất kỳ vật cản nào có trên đường đi.

Sống khổ nhưng dân phố cổ Hà Nội vẫn không muốn rời đi - 3

Bên trong khu tập thể Hàng Bông ở phố cổ Hà Nội là cảnh nhếch nhác, xuống cấp.

Trong cuộc sống muôn vàn sự bất tiện, câu chuyện của hàng trăm hộ dân sinh sống tại khu tập thể Hàng Bông, nằm ngay ngã tư Hàng Bông - Phủ Doãn mới xứng đáng là “huyền thoại” về sự khổ sở. Đến nỗi, nhiều người lớn tuổi còn bông đùa rằng “không phải sống trong phố cổ, mà sống trong phố khổ mới đúng”.

Bà Q., một hộ dân sống tại tầng 1 cho biết, không ai nhớ rõ khu tập thể Hàng Bông được xây dựng năm nào. Chỉ biết rằng, cách đây gần 80 năm, khu tập thể Hàng Bông là một khách sạn cao cấp của Pháp, được dùng làm nơi nghỉ chân của các bệnh nhân giàu có thời kỳ đó.

Sau khi Hà Nội giải phóng, một số hộ dân đã chuyển vào đây sinh sống, và trở thành nhà tập thể “nổi tiếng”. Sự nổi tiếng bất đắc dĩ của khu tập thể Hàng Bông đến từ cuộc sống chật chội. Bình quân diện tích một căn hộ tập thể chưa tới 10 m2, nhưng có tới 4 - 5 thành viên cùng sinh sống.

Đặc biệt, khu tập thể Hàng Bông là nơi hiếm hoi, khi cả chục hộ dân phải sử dụng nhà vệ sinh chung.

Sống khổ nhưng dân phố cổ Hà Nội vẫn không muốn rời đi - 4
Khu nhà vệ sinh chung tại tập thể Hàng Bông. Dù đã xuống cấp, song đây là nơi sinh hoạt của hàng chục hộ dân.

Bà Q. chia sẻ, sinh hoạt tại đây có lẽ là đặc biệt nhất nhì Hà Nội. Do hàng chục hộ dân sử dụng chung một nhà vệ sinh, nên phải phân chia thời gian để mọi người sử dụng.

Trong đó, vào khoảng thời gian “cao điểm” lúc 6 giờ sáng (trước giờ đi làm) và 16 giờ chiều (giờ đi làm về), mỗi nhà chỉ được sử dụng nhà vệ sinh 15 - 20 phút, tuân thủ theo trật tự đã được cam kết từ trước. Nếu đến muộn, thì phải chờ hết lượt các nhà khác dùng xong mới được sử dụng.

“Cứ đến trước giờ cao điểm, lũ lượt người trong ngõ lại cầm khăn tắm, xà phòng, chậu rửa xếp hàng chờ tới lượt. Đó là chưa kể, cuộc sống tập thể khó tránh khỏi va chạm hàng xóm với nhau. Nhiều hôm, mới chỉ 5 - 6 giờ sáng đã có tiếng cãi nhau vì nhà kia dùng nhà vệ sinh lâu, nhà này không xếp hàng... Vậy nên mới nói, ở phố cổ chưa chắc đã sướng”, bà Q. nói.

Trăm ngàn lý do để bám trụ nơi phố thị

Mặc dù cuộc sống “phổ khổ” phải đối mặt với trăm ngàn bất tiện nhưng hầu hết lại không đồng ý chuyển nhà sang khu đô thị Việt Hưng (quận Long Biên) theo Đề án Giãn dân phố cổ.

Theo Đề án này, khu vực phố cổ quận Hoàn kiếm phải di chuyển trên 6.500 hộ dân, với khoảng 27.000 người. Đề án được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn I triển khai di dời 1.530 hộ dân bắt đầu từ quý IV/2013 và hoàn thành vào quý IV/2016.

Sống khổ nhưng dân phố cổ Hà Nội vẫn không muốn rời đi - 5
Một cửa hàng mặt đường diện tích 10 - 15 m2, giá cho thuê đã vài chục triệu đồng. Do mang lại lợi ích kinh tế, nên hiếm có hộ dân phố cổ nào chuyển nhà sang khu tái định cư mới.

Giai đoạn II sẽ di dời hơn 5.000 hộ dân ngay sau khi dự án giai đoạn I kết thúc triển khai trong các khu đô thị khác do thành phố bố trí. Đề án giãn dân phố cổ sẽ kết thúc vào năm 2020.

Giải thích cho điều này, bà Q., cho hay, cuộc sống tại phố cổ có nhiều bất tiện, nhưng người dân sống ở đây chủ yếu là các gia đình đã bám trụ hàng chục năm, thậm chí nhiều gia đình có 4-5 thế hệ đã sinh sống nên thành thói quen. Thêm vào đó, phố cổ nằm giữa trung tâm Hà Nội, việc kinh doanh, buôn bán cũng thuận tiện. Đây cũng là nguồn thu nhập chính của các hộ dân ở phố cổ. 

“Sống ở trung tâm thành phố lúc nào cũng đông vui, nhộn nhịp, muốn gì cũng có. Nhà tôi ở tầng 1, dù chỉ vài mét vuông nhưng cũng có mặt tiền kinh doanh, buôn bán nhỏ. Trong khi đó, nơi giãn dân là khu đô thị mới, không có địa điểm vui chơi, cuộc sống gò bó. Chưa nói đến việc sẽ không có nguồn thu nhập để duy trì cuộc sống”, bà Q. nói.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị H., sống tại tầng 3 khu tập thể Hàng Bông cũng cho rằng, giá nhà đất tại phố cổ thuộc hàng đắt nhất nhì Hà Nội. Ngay cả ở trong ngõ, giá đất cũng cao gấp rưỡi so với khu khác của Hà Nội. Căn hộ của bà H. rộng 36m2 đã xuống cấp trầm trọng, nhà vệ sinh cũng phải dùng chung với nhiều hộ gia đình khác. Tuy nhiên, bà H. khẳng định, nếu rao bán cũng có giá không dưới 1,4 tỷ đồng.

"Ở phố cổ, khách du lịch nườm nượp, phố xá sầm uất, người dân tranh thủ bán nước, chạy xe ôm, hàng ăn sáng... cũng có đủ tiền trang trải cuộc sống, nuôi con học hành. Sang bên khu định cư mới, chúng tôi cũng chưa biết làm gì để xoay sở", bà H. nói.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm