Sau thời gian tăng "thẳng đứng", giá chung cư Hà Nội bất ngờ hạ nhiệt
(Dân trí) - Theo CBRE, giá căn hộ bình quân tại Hà Nội đạt 1.325 USD/m2 (tương đương 30,5 triệu đồng/m2), giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo báo báo của CBRE, trong quý III/2020, thị trường BĐS Hà Nội đón nhận 3.500 căn hộ mới được chào bán. Hầu hết các dự án mở bán trong quý là các dự án vừa và nhỏ nằm ngoài đường Vành Đai 3.
Mặc dù các hoạt động tiếp thị và bán hàng của dự án đã bị tạm dừng do dịch Covid -19 kéo dài từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 8, tuy nhiên vẫn có 4.200 căn hộ đã được bán ra trên thị trường căn hộ Hà Nội trong quý III.
Giá bán căn hộ chung cư trung bình đạt 1.325 USD/m2 (tương đương 30,5 triệu đồng/m2), giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngược lại với CBRE, số liệu của Hội môi giới BĐS cho biết, giá căn hộ phân khúc trung, cao cấp tiếp tục gần như đi ngang, phân khúc bình dân tăng nhẹ khoảng 3 - 5%,
Còn theo khảo sát của PV báo Dân trí, tính tới tháng 10/2020, sự “hạ nhiệt” hiếm có của phân khúc căn hộ chỉ xuất hiện trên thị trường thứ cấp, hoặc tại một số dự án BĐS cao cấp ở vùng ven như: Gia Lâm, Đông Anh, Hoàng Mai,...
Đơn cử, tại một dự án chung cư tại Gia Lâm, giá bán căn hộ cao cấp đã giảm từ 35 triệu đồng/m2, xuống còn 25 - 32 triệu đồng/m2, tùy thuộc vào vị trí. Trong khi đó, một dự án chung cư khác tại Tây Hồ cũng giảm 2 - 5 triệu đồng/m2, xuống còn 25 - 28 triệu đồng/m2.
Ngược lại, phân khúc căn hộ bình dân, giá dưới 2 tỷ đồng vẫn không có nhiều thay đổi, dao động từ 25 - 35 triệu đồng/m2.
Giải thích cho hiện tượng “hiếm có” của thị trường BĐS Hà Nội, ông Nguyễn Thanh Tuấn, chuyên gia BĐS cho rằng: Do giá bán cao, dao động từ trên 50 triệu đồng/m2, nên BĐS cao cấp kén người mua hơn, tính thanh khoản thấp hơn so với các sản phẩm căn hộ bình dân.
Tuy nhiên, trong bối cảnh cả nền kinh tế đang gặp khó bởi đại dịch Covid-19, nhà đầu tư và ngay cả người có nhu cầu mua nhà cũng đang hạn chế giao dịch các sản phẩm đắt tiền.
Thay vào đó, họ tích cực giữ tiền để đề phòng rủi ro dịch bệnh quay trở lại. Điều này đã tạo ra áp lực cho thị trường thứ cấp, buộc đại lý và các kênh phân phối giảm giá để kích cầu thị trường, tránh dư thừa hàng tồn kho.
“Trong thời điểm thị trường đi xuống, chủ đầu tư cũng áp doanh số bán hàng cho đại lý và các kênh phân phối để nhanh chóng thu hồi vốn. Nếu biết cách thương lượng, nhà đầu tư có thể mua với giá hời hơn nữa. Dù vậy, mức giảm này chỉ mang tính cục bộ. Về lâu dài, giá bình quân căn hộ của Hà Nội vẫn sẽ tăng”.
Nhận định về thị trường BĐS Hà Nội quý IV/2020, ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho biết, nguồn cung vẫn tiếp tục khan hiếm, nhất là phân khúc BĐS bình dân giá dưới 2 tỷ đồng.
Trong khi đó, giá BĐS tại thị trường Hà Nội không có nhiều biến động và sẽ khó giảm trong 3 tháng cuối năm.
Ông Thanh nhìn nhận: “Hiện nay, nhà đầu tư Hà Nội vẫn còn tâm lý dè chừng, lo sợ dịch bệnh bùng phát, nên tính thanh khoản của thị trường chưa thể tăng trưởng mạnh mẽ. Do đó, thị trường Hà Nội phải chờ đợi thêm 1 khoảng thời gian nữa, có thể là những quý đầu tiên của năm 2021 mới có tín hiệu phục hồi mạnh mẽ”.