Ra tay “dẹp loạn” san lấp, phân lô đất nông nghiệp ở Bình Thuận

(Dân trí) - Việc người dân trong tỉnh tự ý san lấp, phân lô đất nông nghiệp và cán bộ quản lý địa bàn có dấu hiệu bao che, tạo điều kiện đã gây “nhức nhối” dư luận trong thời gian qua.

Ngày 26/1, đại diện UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, đơn vị này đã ra quyết định thành lập đoàn thanh tra nhằm thanh tra toàn diện công tác quản lý đất đai tại thành phố Phan Thiết.

Ông Hồ Lâm, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận chia sẻ, đoàn thanh tra đất đai tại thành phố Phan Thiết được UBND tỉnh giao cho một Phó chánh Thanh tra tỉnh làm trưởng đoàn.

dat dai phan thiet 1.jpg
Nhiều khu vực đất nông nghiệp tại tỉnh Bình Thuận được người dân dân san lấp, phân lô.

Thanh tra của Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng và một số cơ quan khác sẽ là thành viên của đoàn thanh tra. Lực lượng thanh tra sẽ xem xét các điểm khu dân cư bất hợp pháp, lấy đất nông nghiệp rồi tự ý chuyển đổi không thông qua quy hoạch để làm khu dân cư.

Những sai phạm trong quản lý đất đai của thành phố Phan Thiết sẽ được đoàn thanh tra của làm rõ. Khi có kết luận, đoàn thanh tra sẽ công khai thông tin cho báo chí theo đúng quy định.

Trước đó, trong kỳ họp Hội đồng Nhân dân tỉnh Bình Thuận vào tháng 12/2018, ông Hồ Lâm cũng từng thừa nhận, đã có tình trạng san lấp đất nông nghiệp, phân lô bán nền ở thành phố Phan Thiết và các huyện lân cận như người dân và báo chí phản ánh. Việc này thuộc quyền quản lý của UBND các huyện thị, thành phố.

Ngoài địa bàn thành phố Phan Thiết thì cơ quan chức năng cũng phát hiện ở huyện Hàm Thuận Bắc có 9 vị trí tự ý phân lô bán nền trên đất nông nghiệp. Hiện UBND tỉnh đã chỉ đạo phải xử lý nghiêm cán bộ công chức có hành vi bao che, tạo điều kiện cho việc phân lô bán nền tự phát trên đất nông nghiệp kể cả cấp tỉnh và huyện.

Được biết, trong thời gian qua, hàng loạt khu đất nông nghiệp ở thành phố Phan Thiết và huyện Hàm Thuận Bắc đã được người dân tự ý san nền, phân lô rồi bán công khai.

Theo thông tin của các Sở ngành tỉnh Bình Thuận thì số dự án đầu tư vùng ven biển còn hiệu lực là 390 dự án. Tổng diện tích các dự án đầu tư vùng ven biển còn hiệu lực lên đến 6.947 hecta, tổng vốn đầu tư hơn 61.000 tỷ đồng. Trong đó có 185 dự án đã hoàn thành và đưa vào hoạt động, 73 dự án đang triển khai xây dựng và còn 132 dự án (chiếm 33,9%) chưa triển khai.

dat dai phan thiet 2.jpg
Ông Hồ Lâm, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận (áo xanh).

Các dự án chậm triển khai có nhiều nguyên nhân chủ yếu như: dự án bị vướng đền bù giải tỏa, khó khăn trong giải phóng mặt bằng; chủ đầu tư dự án không thỏa thuận được với người dân về giá đền bù để bàn giao đất.

Bên cạnh đó cũng còn một số dự án “vướng” vào quy hoạch titan, vướng kết cấu hạ tầng và các quy hoạch khác chồng lấn lên nhau. Ngoài ra, cũng có những nhà đầu tư thiếu năng lực về tài chính nhưng “ôm đất”, thiếu thiện chí đầu tư, cầm chừng đối phó để sang nhượng dự án.

Trong năm 2018, tỉnh Bình Thuận đã thu hồi 18 dự án chậm triển khai. Trong năm 2019, tỉnh này sẽ tiếp tục rà soát các dự án đất ven biển để phân loại. Những dự án mà chủ đầu tư tâm huyết, thể hiện được năng lực thì sẽ được chính quyền tạo điều kiện để triển khai xây dựng. Đối với những dự án chậm triển khai, không có lý do chính đáng, không triển khai theo cam kết tỉnh kiên quyết thu hồi đất để bàn giao cho nhà đầu tư khác.

Đại Việt