Quy hoạch siêu đô thị hơn 17.000 ha ở Hà Nội: Phát triển 2 vùng đặc trưng

(Dân trí) - Chính thức phê duyệt quy hoạch siêu đô thị 600.000 dân ở Hòa Lạc; “Đại gia" địa ốc Đất Xanh: Cổ tức 0 đồng, lãnh đạo nhận thưởng tiền tỷ... là những thông tin bất động sản nổi bật tuần qua.

Quy hoạch siêu đô thị hơn 17.000 ha ở Hà Nội: Phát triển 2 vùng đặc trưng - 1

Quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc nhằm phát triển đô thị Hòa Lạc thành đô thị hiện đại, đồng bộ hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật có vai trò giảm tải chức năng và áp lực về dân số cho đô thị trung tâm.

Chính thức phê duyệt quy hoạch siêu đô thị 600.000 dân ở Hòa Lạc

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc, thành phố Hà Nội đến 2030 tỷ lệ 1/10.000 nhằm phát triển Hòa Lạc thành đô thị mới hiện đại, đồng bộ hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật.

Theo đó, phạm vi ranh giới quy hoạch khu đô thị Hoà Lạc thuộc địa giới hành chính các huyện Quốc Oai, Thạch Thất và thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội với quy mô nghiên cứu khoảng 17.274ha.

Đô thị Hòa Lạc có mô hình phát triển gồm 2 vùng đặc trưng. Trong đó, vùng lõi đô thị phát triển xây dựng theo mô hình đô thị, tập hợp các khu chức năng và khu đô thị mới, với các trung tâm cấp vùng và khu vực. Còn vùng vành đai xanh bao quanh đô thị phát triển xây dựng theo mô hình nông thôn mới.

Dự báo đến năm 2025 dân số đô thị Hòa Lạc khoảng 150.000 người. Đến năm 2030 và những năm tiếp theo, dân số đô thị Hòa Lạc (tối đa) khoảng 600.000 người, tỷ lệ dân số đô thị khoảng 85%.

“Đại gia" địa ốc Đất Xanh: Cổ tức 0 đồng, lãnh đạo nhận thưởng tiền tỷ

Ngày 30/5, CTCP Tập đoàn Đất Xanh (DXG) tiến hành họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020.

Năm 2019, các chỉ tiêu chính đề ra được DXG hoàn thành vượt kế hoạch. Với kết quả này, HĐQT DXG trình lên cổ đông kế hoạch phân phối lợi nhuận trong đó trích quỹ năm 2019 theo nghị quyết ĐHĐCĐ với 64,1 tỷ đồng, trong đó hơn 1,6 tỷ đồng là thưởng vượt kế hoạch kinh doanh cho hội đồng quản trị và 1,6 tỷ đồng thưởng cho ban điều hành với mức 10% trên phần lợi nhuận sau thuế vượt kế hoạch.

Trong khi đó, dù lợi nhuận vượt chỉ tiêu, công ty vẫn giữ nguyên kế hoạch không chia cổ tức năm 2019 cho cổ đông và giữ lại toàn bộ lợi nhuận hiện có để bổ sung vốn kinh doanh, tăng vốn chủ sở hữu.
Năm ngoái, số tiền thưởng vượt kế hoạch cho HĐQT và Ban điều hành có giá trị là 22 tỷ đồng.

Đón sóng FDI rút khỏi Trung Quốc: Giá thuê BĐS công nghiệp leo thang?

Khi các tập đoàn đa quốc gia đẩy mạnh quá trình đa dạng hoá địa điểm đầu tư và tái định vị cơ sở sản xuất sau đại dịch Covid - 19, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nhiều cơ hội nhất để trở thành trung tâm sản xuất mới của thế giới.

Quy hoạch siêu đô thị hơn 17.000 ha ở Hà Nội: Phát triển 2 vùng đặc trưng - 2

Việt Nam còn một số những yếu tố trong lĩnh vực công nghiệp cần được nâng cấp và cải thiện, như cơ sở hạ tầng, hậu cần, giá đất…

Trong bối cảnh đó, thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam trở nên sôi động liên tục từ đầu năm 2020 đến nay với sự gia tăng yêu cầu thuê đất và nhà máy từ cả khách thuê hiện hữu lẫn khách thuê mới.

Một báo cáo mới được công bố bởi CBRE cho thấy, giá thuê và tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp tại các thành phố và tỉnh sản xuất lớn của Việt Nam tăng cao trong bối cảnh nguồn cung đất công nghiệp bị hạn chế.

Tuy nhiên, theo chuyên gia, Việt Nam còn một số những yếu tố trong lĩnh vực công nghiệp cần được nâng cấp và cải thiện, như cơ sở hạ tầng, hậu cần, giá đất…

“Bất động sản đâu phải dễ xơi, cứ nhảy vào là có tiền đút túi”

Chia sẻ tại hội thảo “Phá băng bất động sản và cơ hội bứt phá” diễn ra tuần qua, chủ tịch một doanh nghiệp bất động sản lớn ở Việt Nam nhấn mạnh, bất động sản không phải “miếng bánh dễ xơi”.

Thậm chí theo vị này, những người kinh doanh bất động sản khi bước chân vào thị trường có tới hơn 80% thất bại, chỉ có số ít còn lại là thành công.

“Đây là nghề lắm sự khắc nghiệt. Làm nghề này phải chuẩn bị tư thế chứ không phải cứ nhảy vào bất động sản là lúc nào cũng kiếm được tiền vào túi”, vị chủ tịch doanh nghiệp bất động sản chia sẻ.

Cũng theo vị này, ở Việt Nam, một doanh nghiệp không có chuyên gia pháp lý, không có giám đốc pháp lý là “nguy hiểm”, “hỏng bét” bởi những khó khăn về thủ tục, pháp lý.

Mua "lúa non" quanh dự án Long Thành

Cả tháng qua, đoạn đường 769 thuộc xã Lộc An (Long Thành), bên cạnh công trường xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu tái định Lộc An - Bình Sơn xuất hiện những nhóm “cò đất” dựng bảng bán đất. Từ sáng đến chiều đoạn đường này luôn tấp nập rộn ràng người bán, kẻ mua. Khách đa phần đến từ Biên Hòa, TP.HCM, Bình Dương…

Quy hoạch siêu đô thị hơn 17.000 ha ở Hà Nội: Phát triển 2 vùng đặc trưng - 3
Ðất “sân bay” được rao bán tràn ngập.

Tiếp chúng tôi là Phước, tự giới thiệu có rất nhiều nguồn đất cho những ai có nhu cầu đầu tư đất vùng ven sân bay Long Thành. Một dạng đầu tư mới, theo Phước đang “nóng” ở đây, đó là đầu tư mua “lúa non”, mua “hộ khẩu” của những hộ có suất tái định cư.

Phước giải thích: “Đó là những người có suất tái định cư, họ cần tiền nên muốn bán sớm suất tái định cư của mình trước khi được giao đất. Người mua đất chồng tiền, còn người bán sẽ viết giấy tay và giao sổ hộ khẩu cho người mua giữ để làm tin. Khi người được tái định cư nhận đất sẽ làm thủ tục sang nhượng ngay cho bên mua”.

Nguyễn Khánh (Tổng hợp)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm