Phương án nào cho condotel?

Hôm nay 4/6, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội về quản lý thị trường bất động sản, căn hộ du lịch, văn phòng kết hợp lưu trú...(condotel, officetel).

Trao đổi về vấn đề này, ông Đặng Hùng Võ (ảnh), nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho biết:

Chúng ta đừng coi các condotel, officetel hay shophouse... là những loại BĐS mới và luống cuống vì những cái tên mới đặt đó. Ta cần nhìn vào bản chất của các loại BĐS đang được quan tâm này. Đó là những BĐS đa công năng, có thể vừa để ở, vừa để cho thuê lưu trú, vừa để làm văn phòng, làm cửa hàng. Chế độ sử dụng đất là đất ở được sử dụng lâu dài, công năng cửa hàng được coi là phụ, nếu có hoạt động kinh doanh tại cửa hàng thì thu các loại thuế kinh doanh.

Phương án nào cho condotel? - 1

Ông Đặng Hùng Võ 

Tương tự, nếu một nhà chung cư hạng sang thì cũng có thể vừa để ở, vừa cho thuê như một phòng của khách sạn, hay cho làm văn phòng của doanh nghiệp. Một condotel hay officetel có thể coi mục đích chính là để ở và mục đích phụ là cho thuê lưu trú hoặc cho thuê làm văn phòng. Đất vẫn được công nhận là đất ở, nhưng có thêm một số công năng phụ khác.

Vậy thì một quy định chính thức trong Luật Kinh doanh BĐS và Luật Đất đai là rất cần thiết. Luật Kinh doanh BĐS cần quan tâm tới kinh doanh các BĐS đa công năng, còn Luật Đất đai quy định về chế độ sử dụng đất đối với đất để phát triển các loại BĐS đa công năng.

Vướng mắc trong  vấn đề condotel, officetel là gì?

Vướng mắc chủ yếu hiện nay vẫn là tư duy áp dụng pháp luật đối với các loại BĐS đa công năng. Trong thực tế, khái niệm đã hình thành và người dân vẫn làm như vậy, nhưng chưa được xác định rõ trong pháp luật thì lại khó được các cơ quan quản lý chấp nhận.

Ví dụ như trước một BĐS đa công năng “condotel” được xác định là vừa có công năng để ở (condominium), vừa có công năng để cho thuê lưu trú (hotel). Nếu chọn công năng chính là để ở thì nộp tiền theo giá trị đất ở (cao nhất) nhưng được sử dụng đất dài hạn, nếu chọn công năng chính là cho thuê lưu trú thì nộp tiền theo giá trị đất kinh doanh dịch vụ (thấp hơn đất ở) nhưng chỉ được sử dụng đất có thời hạn 50 năm, cùng lắm tới 70 năm.

Từ cuộc sống thực tế, hãy tiếp nhận và quy định rành mạch trong pháp luật để áp dụng thống nhất thì sẽ hết ngay vướng mắc.

Không riêng condotel, officetel, hiện nhiều vướng mắc pháp lý rất lớn liên quan đến phát triển bất động sản nhưng chậm được tháo gỡ, thưa ông?

Tôi vẫn cho câu chuyện quản lý đối với các BĐS đa công năng rất giản dị. Cái chính là chúng ta phải chính thức thừa nhận khái niệm “BĐS đa công năng” này trong pháp luật và có cách hướng dẫn áp dụng luật hiện hành. Mục tiêu chính là đất nước, nhân dân được gì khi sửa đổi pháp luật, đừng nghĩ là ai được lợi gì làm lý do để ngăn sự phát triển lại. Vấn đề lúc này là hãy đưa du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Tình trạng tranh chấp, khiếu nại nhiều liên quan đến các dự án đầu tư nhà ở hiện nay là câu chuyện chung cư. Nhiều bất cập trong quản lý chung cư đang xẩy ra. Thứ nhất là những sai phạm của các chủ đầu tư dự án không được xử lý thích đáng mà lại bắt cư dân phải chịu. Chủ đầu tư xây dựng sai phép không xử lý mà bắt người đã bỏ tiền ra mua nhà phải ngồi chờ “sổ đỏ” vài năm, như đang phổ biến tại Hà Nội hiện nay. Chủ đầu tư không bàn giao phí bảo trì chung cư thì không có cách gì cưỡng chế mà lại đề xuất bỏ loại phí này đi!

Theo ông những vấn đề nào cần tháo gỡ nhằm phát triển thị trường bất động sản thời gian tới?

Câu chuyện ở đây là thiếu đồng bộ giữa pháp luật về nhà ở và pháp luật về đất ở, nhất là thực hiện quyền được sở hữu nhà ở của cá nhân nước ngoài được nhập cảnh vào Việt Nam. Luật Nhà ở 2014 khá “thoáng”, nhưng Luật Đất đai 2013 vẫn đóng.

Đối với các BĐS du lịch, cơ hội rất lớn cho phát triển đã mở ra, nhưng e ngại rằng, lại một lần nữa cơ hội bị rơi vào lãng phí. Đã 5 năm rồi loanh quanh với câu chuyện pháp luật đối với các BĐS đa công năng để phát triển BĐS du lịch, thế mà mọi chuyện vẫn đứng yên một chỗ và việc sửa Luật Đất đai lại lùi tiếp!

Thị trường BĐS là thị trường đầu tư trên đất, kể cả trong khu vực dịch vụ, công nghiệp hay nông nghiệp, liên quan mật thiết tới pháp luật đất đai. Các câu chuyện nóng về đầu tư BĐS vẫn chỉ xoay quanh chi phí vốn cho đầu tư là bao nhiêu và chi phí tiếp cận đất đai gắn với chính sách sử dụng đất đai như thế nào.

Cảm ơn ông

Bộ Xây dựng “nợ” tiêu chuẩn condotel

Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS, Bộ Xây dựng cho biết: Cuối năm 2017 đầu năm 2018 còn đang có nhiều quan điểm khác nhau, các tỉnh cũng còn có quan điểm khác và cách hành xử khác nhau về condotel. 

“Nhưng sau 1/1/2018 Luật Du lịch đã xác định condotel không phải là nhà ở và mới đây khi Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ thị số 11/CT-TTg về một số giải pháp thúc đẩy thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh. Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng phải bổ sung quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng đối với các loại hình nhà ở chung cư, công trình căn hộ du lịch (condotel), biệt thự du lịch (resort villa), văn phòng kết hợp lưu trú ngắn hạn (officetel). Bộ Xây dựng vẫn đang nợ quy chuẩn như: condotel có diện tích bao nhiêu m2, có giống chung cư hay không?...” , ông Khởi cho hay. (Ngọc Mai)

Hàng vạn căn hộ condotel, officetel được xây dựng

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong khoảng thời gian từ năm 2015 đến nay, các địa phương ven biển đã cho phép một số doanh nghiệp đầu tư kinh doanh các dự án du lịch nghỉ dưỡng có công trình căn hộ du lịch (condotel) và biệt thự du lịch (resort). Tại một số đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM và một số địa phương cho phép một số doanh nghiệp đầu tư kinh doanh loại hình công trình văn phòng làm việc kết hợp lưu trú (officetel).  Trong 71 dự án bất động sản do Bộ Xây dựng thẩm định thiết kế cơ sở từ đầu năm 2015 đến nay, có khoảng 25.639 căn hộ condotel, officetel, tập trung chủ yếu ở Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng. Ngoài ra, còn có hàng chục nghìn căn condotel, officetel do các địa phương thẩm định, cấp phép theo thẩm quyền.

Theo Minh Tuấn

Tiền Phong

Phương án nào cho condotel? - 2