Phú Quốc đang dần đánh mất đi những nét đặc thù riêng?
(Dân trí) - Theo KTS. Trần Minh Tùng - Đại học Xây dựng - Phú Quốc được mệnh danh là Đảo Ngọc nhưng nơi đây đang dần đánh mất đi những nét đặc thù riêng và trở nên giống với đa số các khu du lịch khác.
Nhiều ý kiến về quy hoạch Phú Quốc được đưa ra bàn luận tại hội thảo về không gian đô thị tại Phú Quốc diễn ra hôm nay (11/8). Các chuyên gia đều kỳ vọng thành phố đảo không chỉ và không thể mãi chỉ là một "điểm đến" mà phải trở thành một thành phố đảo đáng sống, một trung tâm kinh tế - tài chính mới của khu vực và thế giới.
Tại hội thảo, GS. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - cho rằng, quy hoạch phát triển đảo Phú Quốc đầy hoài bão và tham vọng. Phú Quốc được định hướng phát triển để trở thành một điểm sáng trên bản đồ khu vực và thế giới về du lịch, dịch vụ tài chính, khoa học chuyên ngành, giao thông quốc tế và phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Để thực hiện tham vọng này, Phú Quốc với tiềm năng địa kinh tế và hoàn cảnh cụ thể của mình hoàn toàn có thể đạt được trong một thời gian không dài. Vấn đề đặt ra là tìm bước đi cụ thể với việc xác định những điểm khác biệt cụ thể đối với từng mặt phát triển cụ thể để từng bước đạt được tổng thể mọi mục tiêu của hoài bão.
GS. Đặng Hùng Võ cho rằng, Phú Quốc chưa nên phát triển là thành phố công nghệ, khoa học kỹ thuật chuyên ngành. Chúng ta nên lấy điểm mạnh của Phú Quốc là nơi còn nguyên môi trường, đảm bảo như viện bảo tàng môi trường. Có thể xây dựng một thành phố sử dụng toàn năng lượng tái tạo tại chỗ để sản xuất điện, điện từ gió biển, từ thủy triều, từ sóng biển. Giao thông chỉ sử dụng xe chạy động cơ điện.
Các bất động sản nhà ở hay du lịch đều tuân thủ tiêu chuẩn đô thị "xanh". Hướng người dân địa phương phát triển các công trình, môi trường xanh - mô tả được đây là hòn đảo môi trường sạch điển hình trên thế giới.
Đầu tiên nên làm như vậy mới kéo giá trị gia tăng của du lịch, sau đó mới tính đến bước phát triển các khu đô thị hiện đại. Đây chính là điểm độc và lạ của thành phố Phú Quốc thu hút nhiều du khách nước ngoài.
Ngoài ra, theo ông Võ, để phát triển, Phú Quốc cần những chính sách, cơ chế đặc thù, lấy hội nhập khu vực và quốc tế làm cơ sở. Phú Quốc cần được phép áp dụng những chính sách riêng về đất đai và tìm vốn đầu tư.
Đồng quan điểm trên, PGS.TS.KTS. Hoàng Mạnh Nguyên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển đô thị xanh Việt Nam, cho rằng, Phú Quốc có nhiều tiềm năng để phát triển theo hướng này. Bền vững có ba thành tố, gồm môi trường, văn hóa và kinh tế.
Thứ nhất là yếu tố môi trường. Nếu Phú Quốc muốn phát triển thì yếu tố đáng sống cần được ưu tiên trước tiên, và các dự án bất động sản tại đây cũng đang làm được điều đó.
Thứ hai là yếu tố kinh tế. Bất cứ nhà đầu tư nào tìm đến Phú Quốc cũng đều hướng đến bài toán kinh tế. Nhìn ở góc độ bền vững, tôi nghĩ trong dài hạn cần tạo cho Phú Quốc yếu tố cạnh tranh. Để hòn đảo này có thể cạnh tranh với nhiều địa điểm hấp dẫn khác trên thế giới thì cần tạo được những đặc điểm riêng với sức hút riêng.
Cuối cùng là yếu tố văn hóa, Phú Quốc vẫn nên là văn hóa bản địa và các nhà đầu tư cần nhạy bén với điểm này. Ông Nguyên cho rằng, đã có nhiều kiến nhấn mạnh đến sự độc và lạ của Phú Quốc. Những khu đô thị đang hiện hữu có những giá trị hiện hữu, văn hóa riêng, song nhiều dự án gần đây lại mang văn hóa ngoại lai đưa vào vùng đất này.
Ông Nguyên cũng nhấn mạnh, dù Phú Quốc có diện tích ngang với Singapore nhưng quỹ tài nguyên rất giới hạn, đặc biệt là tài nguyên đất. Làm sao để khai thác quỹ đất được hiệu quả là vấn đề cần đặt ra, nếu không, về lâu dài sẽ đánh mất đi khả năng khai thác phát triển Phú Quốc trong tương lai.
Còn theo KTS. Trần Minh Tùng, Trưởng Bộ môn Kiến trúc dân dụng, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Đại học Xây dựng, Phú Quốc được mệnh danh là Đảo Ngọc, nhưng Phú Quốc đang dần đánh mất đi những nét đặc thù riêng và trở nên giống với đa số các khu du lịch khác.
Phải khẳng định rằng, nếu như một đô thị chỉ phát triển thuần du lịch thì rất mong manh, đại dịch đã chứng minh điều đó. Ví dụ như Đà Nẵng là thành phố thuần du lịch, sau tác động của đại dịch thì gần như tê liệt, xơ xác. Đó là thực tế rất đau lòng.
Do đó, ngoài du lịch, ông Tùng cũng cho rằng, Phú Quốc cũng nên phát triển dân cư. Cần có dòng dịch chuyển dân cư, chứ không chỉ đến Phú Quốc chỉ để du lịch rồi về. Để cụ thể hóa cái "độc lạ" của Phú Quốc nên có những mô hình, định hướng chiến lược để thiết lập các dự án đô thị kiểu mẫu, đảm bảo thu hút lượng lớn người nước ngoài và Việt Nam nhập cư vào Phú Quốc.