Phó Thủ tướng: Có sự yếu kém, buông lỏng vụ san đồi núi, phân lô bán nền

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Trả lời chất vấn về tình trạng san đồi núi, phân lô bán nền, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết có sự yếu kém, buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương, thực hiện quy hoạch chưa được đúng…

Chấn chỉnh phân lô bán nền

Tại phiên chất vấn trước Quốc hội chiều nay (9/6), đại biểu Hoàng Ngọc Định (đoàn Hà Giang) cho biết, tình trạng san ủi đất lâm nghiệp, đất đồi núi không phù hợp với quy hoạch để phân lô, sang nhượng trái phép diễn ra rất phức tạp tại nhiều địa phương.

"Đề nghị Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ có giải pháp gì để chấn chỉnh, khắc phục tình trạng trên?", đại biểu chất vấn.

Trả lời đại biểu, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh thừa nhận có tình trạng nói trên tại các địa phương. Việc này, theo lãnh đạo Chính phủ, có nhiều nguyên nhân như lợi nhuận lớn từ việc chiếm dụng đất đai, giá trị quyền sử dụng đất tăng lên sau khi chuyển đổi mục đích.

Phó Thủ tướng: Có sự yếu kém, buông lỏng vụ san đồi núi, phân lô bán nền - 1

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh nhiệm vụ tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các vùng, các nơi có tình trạng này xảy ra phân lô bán nền không đúng (Ảnh: Quốc Chính).

Cũng theo Phó Thủ tướng, có sự yếu kém trong buông lỏng quản lý của chính quyền các địa phương, công tác lập và tổ chức thực hiện quy hoạch cũng chưa được đúng và chưa được kiểm tra, giám sát, các quy hoạch chuyên ngành của địa phương cũng không liên thông và thống nhất, đồng bộ.

Trước thực tế nêu trên, Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ đã đưa ra một số chỉ thị, chỉ đạo. Cụ thể, tại Nghị quyết 63 mới đây, Chính phủ đã chỉ đạo UBND các tỉnh thành phố tích cực chỉ đạo, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân phân lô bán nền. Đây là Nghị quyết mới nhất của Chính phủ.

Thứ hai, theo Phó Thủ tướng, là Chỉ thị 05 ngày 18/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó giao tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm quy định về quản lý bảo vệ rừng. Khẩn trương hoàn thiện các quy định quản lý đất đai, kiểm tra, xử lý vi phạm.

Còn trước đây có Chỉ thị 22 của Thủ tướng Chính phủ ngày 12/8/2021 cũng đã nêu mạnh công tác về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp và giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường lập Đoàn kiểm tra đi kiểm tra các địa phương về tình trạng này, cũng đã yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố phê duyệt các quy hoạch tỉnh và kế hoạch sử dụng đất.

Trong quy hoạch sử dụng đất có các quy hoạch rừng, đó là những biện pháp mà Chính phủ đã yêu cầu. Đặc biệt là nhấn mạnh nhiệm vụ tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các vùng, các nơi có tình trạng này xảy ra, Phó thủ tướng cho hay.

Khoảng 1.000 nhà đất công chưa xử lý

Chất vấn lãnh đạo Chính phủ, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (Đoàn TPHCM) nêu tình trạng các kho bãi, các dự án của các bộ, ngành tại các địa phương bị bỏ trống, sử dụng không đúng mục đích, có trường hợp không triển khai dự án bị bỏ hoang nhiều năm.

Trong khi đó, quỹ đất tại địa phương thì hạn hẹp, thiếu quỹ đất để xây dựng trường học và xây dựng các công trình công cộng để phục vụ cộng đồng, gây bức xúc cho nhân dân và cử tri địa phương.

"Chính phủ đánh giá như thế nào về thực trạng này và có chỉ đạo công tác phối hợp giữa các bộ, ngành để giải quyết tình trạng này như thế nào, giải pháp trong công tác chỉ đạo triển khai thực hiện và giải pháp về hoàn thiện thể chế?", đại biểu đặt vấn đề.

Trả lời đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh về quản lý sắp xếp tài sản công, đặc biệt đất bỏ hoang phí, Phó thủ tướng cho biết, Chính phủ đã có những văn bản quy định về vấn đề này. Đó là Nghị định 67/2021 của chính phủ đưa ra việc rà soát đối với các cơ sở nhà đất của cơ quan, tổ chức, đơn vị doanh nghiệp thuộc Trung ương quản lý mà không có nhu cầu sử dụng. Cơ quan đơn vị đó phải lập hồ sơ đề xuất phương án xử lý và thu hồi, điều chuyển, bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển giao về cho địa phương quản lý.

Theo tổng hợp của 9 bộ, cơ quan trung ương và 45 địa phương thì phát hiện tổng số cơ sở nhà đất khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính là 10.289. Kết quả sắp xếp, xử lý các cơ sở nhà đất dôi dư là giữ lại, tiếp tục sử dụng hơn 8.125 cơ sở; thu hồi 117; điều chuyển 410 cơ sở giữa bộ, ngành, địa phương tùy theo nhu cầu xử lý thực tế; bán tài sản đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất 236; phương án 302 cơ sở chuyển giao về cho địa phương xử lý. Hiện khoảng 1.000 cơ sở chưa xử lý.

Giải pháp được đưa ra theo Phó Thủ tướng, đó là Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính tiếp tục rà soát cùng các bộ ngành, địa phương rà soát cơ sở nhà đất, đặc biệt là khu vực để hoang hóa, không sử dụng. Đây cũng là thực hiện tổng kết nghị quyết 19 của trung ương về sử dụng hiệu quả đất đai trên cả nước, ông Minh cho hay.

Chênh số liệu giải ngân, đại biểu thắc mắc

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) thì băn khoăn khi phát biểu trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã nói "đến hết tháng 5 Chính phủ giải ngân được 22.000 tỷ đồng trên 300.000 tỷ đồng trong gói phục hồi kinh tế".

"Tuy nhiên, ngày hôm nay, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã nói đến hết tháng 5 Chính phủ giải ngân được 33.500 tỷ đồng. Như vậy, cùng một thời điểm tính toán, số liệu giải ngân khác nhau là 11.500 tỷ đồng", bà Mai thắc mắc.

Đại biểu Mai muốn biết đâu là kết quả chính xác mà Chính phủ đạt được.

Cũng theo đại biểu, qua giải trình của các thành viên Chính phủ tại kỳ họp này cho thấy thêm một lần nữa pháp luật được coi là "tội đồ" cho sự chậm trễ trong thực hiện một số gói phục hồi kinh tế và nhiều mục tiêu khác.

"Là người trực tiếp phụ trách công tác xây dựng thể chế theo phân công của Thủ tướng Chính phủ, kính mong Phó Thủ tướng cho biết việc chậm trễ có đúng là do rào cản pháp luật hay không? Phải chăng những cơ chế đặc thù là chưa đủ và nếu đúng là do pháp luật thì xin Phó Thủ tướng chỉ giúp đó là những quy định nào để Quốc hội được biết và cũng có căn cứ để hoàn thiện thể chế", đại biểu Mai đặt vấn đề.

Trả lời đại biểu, ông Phạm Bình Minh cho biết, trước mắt chưa đối chiếu số liệu với Phó Thủ tướng Lê Minh Khái. Số liệu thì các cơ quan sẽ phải đối chiếu trực tiếp, đó là Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính.

"Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp số liệu cuối cùng về vấn đề giải ngân, vì vấn đề giải ngân nguồn vốn đầu tư công thì báo cáo từng thời kỳ có những lúc khác nhau", ông Minh nói.

"Còn báo cáo của các tỉnh thành cũng như báo cáo của các dự án là thực tế thực hiện thì luôn luôn có sự chênh lệch giữa số liệu này. Tuy nhiên, ở đây tôi xin kiểm tra lại, đối chiếu lại con số để số liệu chính thức, chính xác trong báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội về tình hình giải ngân nguồn vốn đầu tư công", Phó Thủ tướng cho biết.

Ông cũng nói thêm, vấn đề gì liên quan đến luật thì sẽ tập hợp, điều chỉnh và báo cáo đề xuất. Trên thực tế đã có để thực hiện giải ngân nguồn vốn đầu tư công, trong đó có một số liên quan đến luật, như Nghị quyết 43 của Quốc hội thông qua thì có một số cơ chế.