Ồ ạt thanh lý khách sạn phố cổ Hà Nội

Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đã khiến thị trường khách sạn gần như đóng băng trong suốt 8 tháng đầu năm. Hiện nhiều khách sạn từ hàng chục đến hàng trăm tỷ rao bán vì kinh doanh quá ế ẩm.

Ồ ạt thanh lý khách sạn phố cổ Hà Nội - 1

Khách sạn Oriental Hotel tại phố cổ Hà Nội đang được rao bán với giá 69 tỷ đồng

Cách ly xã hội cùng với lệnh dừng bay đã khiến số lượng khách du lịch nội địa và quốc tế sụt giảm đáng kể. Du khách tới Hà Nội nửa đầu năm nay giảm tới 65,4% theo năm, xuống còn 4,93 triệu lượt. Trong đó, lượng khách quốc tế giảm 68,8% theo năm. Lượng khách du lịch quý II giảm 84% theo năm xuống còn 1,08 triệu lượt. Do du lịch quốc tế đóng cửa, khách du lịch tới Hà Nội hầu hết là khách nội địa, công tác hoặc khách du lịch đến từ các địa phương khác. 

Thời gian gần đây, sau khi Covid-19 bùng phát trở lại, các thông tin rao bán khách sạn khách sạn tại Hà Nội ngày một nhiều. Trong đó, các khách sạn này chủ yếu tập trung ở khu vực quận Hoàn Kiếm, với giá rao bán từ hàng chục cho đến cả hàng trăm tỷ đồng.

Cụ thể, một khách sạn mặt tiền Hàng Buồm đang được rao bán với giá 77 tỷ đồng, được biết đây là một khách sạn đã hoạt động được 5 năm, với chỉ vỏn vẹn 20 phòng. Trong khi đó, một khách sạn khác với số lượng lên tới 83 phòng ngủ trên phố Hàng Gai cũng đang được rao bán với giá 300 tỷ đồng. Đây là một khách sạn 4 sao với đầy đủ dịch vụ spa, cà phê, nhà hàng.

Ồ ạt thanh lý khách sạn phố cổ Hà Nội - 2

Bàn ghế, đồ dùng bên trong khách sạn phủ kín vì không có khách

Theo chia sẻ của anh Trung, chủ nhân khách sạn, ở đây chủ yếu phục vụ khách du lịch nước ngoài, tuy nhiên do dịch bệnh kéo dài, đường bay cấm cửa nên từ đầu năm đến nay gần như không có khách, chi phí vận hành thì vẫn như cũ. Anh và nhiều chủ khách sạn tại phố cổ thực sự rơi vào khủng hoảng nên mới đành rao bán. 

Một số chủ khách sạn thậm chí mới chỉ kinh doanh 1 năm. Đơn cử như một khách sạn trên phố Mã Mây, chỉ mới đi vào kinh doanh từ tháng 7/2019, thế nhưng theo ông Mai Nam, chủ khách sạn, chi phí lãi vay ngân hàng, nhân công, điện nước, thuế... mỗi tháng ông phải chi trả khoảng 165 triệu đồng để vận hành. Dịch bệnh bùng lên, từ tháng 2/2020, vừa đóng xong tiền nhà 6 tháng thì gần như phải đóng cửa vì giãn cách xã hội, đến ngày được mở lại từ tháng 6 vẫn vắng bóng khách thuê. 

Thậm chí, ông Nam cho biết đang sang nhượng cửa hàng nhưng không có khách mua, thanh lý nội thất cũng không được là bao. Chỉ sau một năm kinh doanh khách sạn, ông đã lỗ tới 3 tỷ đồng.

Ồ ạt thanh lý khách sạn phố cổ Hà Nội - 3

Hàng loạt khách sạn tại quận Hoàn Kiếm đang được rao bán với giá từ hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng

Theo bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn Savills Việt Nam, nguồn cung thị trường khách sạn trong quý II khoảng 9.950 phòng, với 16 khách sạn 5 sao, 19 khách sạn 4 sao và 31 khách sạn 3 sao. Tuy nhiên, hai khách sạn 4 sao và 8 khách sạn 3 sao, chủ yếu ở khu vực quận Hoàn Kiếm tiếp tục đóng cửa.

Bà Hằng cho biết, trong nửa cuối năm 2020, dự kiến sẽ có thêm 2 khách sạn 5 sao, 1 khách sạn 4 sao và 1 khách sạn 3 sao đi vào hoạt động. Tuy nhiên, theo bà Đỗ Thu Hằng, cho tới khi các chuyến bay quốc tế được mở trở lại, nguồn khách chính của thị trường khách sạn vẫn là khách nội địa. Trong khi đó, các khách sạn phố cổ vẫn gặp khó bởi trước đây nguồn thu thường đến chủ yếu từ khách du lịch nước ngoài. 

Theo ông Nguyễn Trọng Thức - Phó Giám đốc CBRE Hotels Việt Nam, tình hình hoạt động của các khách sạn trong Quý 3 sẽ không có nhiều biến chuyển so với Quý 2 bởi Việt Nam hiện đang trải qua làn sóng Covid -19 thứ hai và nhiều thành phố hoặc địa phương đang phải thiết lập cách ly xã hội để ngăn ngừa sự lây lan.

"Thị trường khách sạn trong giai đoạn 2020-2021 được dự báo sẽ luôn ở trong tư thế phòng thủ, với tình hình hoạt động có thể thay đổi liên tục do phải đối mặt với những biến động khó lường về dịch bệnh cho đến khi có vắc-xin phòng ngừa hoặc phương pháp điều trị hiệu quả hơn" - ông Thức cho biết.

Đồng quan điểm, một số chuyên gia dự báo, trong thời gian tới, làn sóng bán tháo khách sạn sẽ ngày một tăng bởi chủ yếu các khách sạn thường hoạt động dựa vào vốn vay. Khi lượng khách tiếp tục giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh bùng phát trong nước, nhiều chủ đầu tư sẽ buộc phải thanh lý khách sạn để trả nợ.