Nữ nghệ nhân kimono Nhật Bản tìm cách bám trụ với nghề giữa bão Covid-19

Minh Hương

(Dân trí) - “Kimono là một phần văn hóa Nhật Bản. Ngay cả khi chỉ còn một nghệ nhân, tôi vẫn muốn cùng họ duy trì truyền thống này, bởi nếu mất đi sẽ rất khó khôi phục”.

Nữ nghệ nhân kimono Nhật Bản tìm cách bám trụ với nghề giữa bão Covid-19 - 1

Nữ nghệ nhân làm kimono Hiroko Takahashi trong trang phục yukata. (Ảnh: Reuters)

Nữ nghệ nhân làm kimono Hiroko Takahashi đã phải đấu tranh vượt qua sự phân biệt giới tính và nghi ngờ từ những nghệ nhân cao tuổi làm kimono truyền thống để lập nên thương hiệu kimono toàn cầu tiêu thụ hàng trăm sản phẩm mỗi tháng.

Thiết kế kimono của Takahashi nổi tiếng với phong cách mạnh mẽ, phi giới tính và không theo những khuôn khổ truyền thống. Năm nay, những thiết kế của cô góp mặt tại triển lãm Bảo tàng Victoria và Albert tại London. Cô cũng ký được hợp đồng cung cấp yukata cho một khách sạn hạng sang trong thời điểm Nhật Bản chuẩn bị đăng cai Olympics.

Thành công đến với Takahashi không hề dễ dàng. Khi mới vào nghề, các thợ nhuộm vải truyền thống không muốn hợp tác với cô bởi những thiết kế quá cách tân và táo bạo. 

Kiên trì không phụ lòng người. Takahashi tiếp tục cho tới khi hãng kimono của cô đạt doanh số 100-200 chiếc yukata đặt trước mỗi tháng - một kết quả đáng ghi nhận trong bối cảnh ngành công nghiệp sản xuất kimono tại Nhật Bản gặp nhiều khó khăn, doanh thu hiện chỉ bằng khoảng 16% so với năm 1981.

Nữ nghệ nhân kimono Nhật Bản tìm cách bám trụ với nghề giữa bão Covid-19 - 2

Bà Takahashi làm việc cùng một thợ may kimono tại xưởng. (Ảnh: Reuters)

Tuy nhiên, dịch Covid-19 xảy ra và làm mọi thứ thay đổi. Các cửa hàng đóng cửa trong hàng tháng, Olympics bị hoãn tới năm 2021 và việc khai trương khách sạn bị tạm hoãn. Các lễ hội mùa hè, các lễ trình diễn pháo hoa, thường là dịp để người dân mặc trang phục yukata, bị hoãn trên toàn Nhật Bản.

“Tôi chưa làm được điều gì mới trong năm nay. Không có thiết kế mới, không có màu sắc mới”, Takahashi chia sẻ. 

Takahashi buộc phải tìm cách duy trì hoạt động kinh doanh qua việc bán khẩu trang làm từ vải may kimono. “Những thiết kế của tôi quá mạnh mẽ, nên có những người phản đối việc mặc chúng như trang phục toàn thân, nhưng họ thích ý tưởng đeo khẩu trang”, nữ nghệ nhân làm kimono 42 tuổi cho biết. 

Dù Takahashi có nguồn thu khác qua việc dạy học và làm khẩu trang từ vải may kimono, thu nhập của cô vẫn bị ảnh hưởng đáng kể. Mỗi bộ yukata của cô thường bán với giá 60.000 yen (566 USD), mỗi bộ kimono có giá 3 triệu yen, trong khi khẩu trang chỉ có giá 1.400 yen. 

Nữ nghệ nhân kimono Nhật Bản tìm cách bám trụ với nghề giữa bão Covid-19 - 3

Những mẫu khẩu trang từ vải may kimono do bà Takahashi thiết kế. (Ảnh: Reuters)

Đại dịch Covid-19 đã khiến ngành công nghiệp kimono Nhật Bản thiệt hại nặng nề. Những nghệ nhân kimono cao tuổi, những người chuyên về một công đoạn khác nhau trong việc làm ra một bộ kimono hoàn thiện không thể nhìn thấy tương lai của mình sẽ ra sao. Nhiều nghệ nhân trẻ muốn tham gia ngành công nghiệp kimono nhưng đành từ bỏ khi nhu cầu giảm mạnh trong đại dịch.

Khảo sát mới đây bởi công ty về thủ công truyền thống Aeru cho thấy nếu nhu cầu không tăng, khoảng 40% nghệ nhân làm kimono Nhật Bản sẽ mất việc làm vào cuối năm. “Nếu người nhuộm vải không có vải để nhuộm và phải bỏ việc thì chúng tôi không thể may kimono. Nếu một mắt xích bị trục trặc thì tất cả chúng tôi đều gặp khó khăn”, Takahashi nói. 

Nữ nghệ nhân kimono Nhật Bản tìm cách bám trụ với nghề giữa bão Covid-19 - 4

Nghệ nhân Takahashi may khẩu trang từ vải kimono. (Ảnh: Reuters)

Trong trường hợp nền kinh tế hồi phục, ảnh hưởng của đại dịch lên những người làm kimono Nhật Bản vẫn còn kéo dài. Nhưng Takahashi vẫn quyết tâm không từ bỏ.

“Kimono là một phần văn hóa Nhật Bản. Thậm chí khi chỉ còn một nghệ nhân, tôi vẫn muốn cùng làm việc với họ để duy trì truyền thống này, bởi một khi biến mất, sẽ rất khó để khôi phục”, Takahashi chia sẻ.