Nở rộ tình trạng núp bóng hiến đất làm đường để phân lô bán nền

Hà Phong

(Dân trí) - Mục đích của việc hiến đất làm đường là phục vụ nhu cầu lợi ích của cá nhân để phân lô bán nền, không phải là cho Nhà nước quyền sử dụng đất thực hiện các công trình công cộng.

Hiến đất làm đường nhằm phân lô bán nền

Thời gian qua, tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, việc cá nhân, doanh nghiệp nhỏ thu gom đất ở, đất vườn, đất trồng cây lâu năm… để chuyển đổi mục đích sang đất ở, xây dựng đường giao thông, sau đó chia tách thửa đất nhằm phân lô bán nền diễn ra tràn lan.

Những khu đất phân lô bán nền núp bóng tách thửa thường được chào bán với giá cao hơn rất nhiều so với đất ở của người dân quanh khu vực, gây nhiễu loạn thị trường. Điều đáng nói là hầu hết khu đất phân lô bán nền sau thời gian được mua đi bán lại nhộn nhịp đều bị bỏ hoang, không xây dựng, không có người ở...

Nở rộ tình trạng núp bóng hiến đất làm đường để phân lô bán nền - 1

Nhiều lô đất trong khu dân cư thị xã Sơn Tây (Hà Nội) được tách thửa nhằm mục đích phân lô bán nền (Ảnh: Hà Phong).

Điển hình như "điểm nóng" TP Bảo Lộc, huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng), từ năm 2018 đến 2021 nở rộ tình trạng lợi dụng việc hiến đất làm đường để phân lô tách thửa, mua bán trái phép đất nông nghiệp, hình thành các dự án bất động sản trái pháp luật.

Phần lớn vị trí người dân xin hiến đất làm đường sau đó đã được tách thành hàng trăm thửa đất mới, rao bán, sang nhượng như một dự án bất động sản hợp pháp. Hàng chục căn nhà đã hình thành trên những dự án bất động sản trái pháp luật này. Cá biệt, nhiều tuyến đường được người dân mở và đổ bê tông, thảm nhựa khi không được cơ quan chức năng cho phép.

Đầu năm nay, UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo tạm dừng toàn bộ việc tiếp nhận, xem xét, giải quyết các thủ tục liên quan đến việc tách thửa đất để chuyển nhượng, xây dựng nhà ở hình thành các khu, điểm dân cư mới tại nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh.

Mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa cũng rà soát, kiểm tra quá trình tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất đối với khu dân cư ven đầm Thủy Triều (xã Cam Hải Tây), khu dân cư Đinh Tiên Hoàng nối dài (thị trấn Cam Đức và Cam Hải Tây), các địa điểm phân lô dọc Quốc Lộ 1A.

Sau khi đối chiếu với các quy định pháp luật, đoàn kiểm tra nhận thấy việc chuyển đổi đất khác sang đất ở những trường hợp nêu trên đã thiếu văn bản thẩm định nhu cầu sử dụng đất dẫn đến một số khu vực được chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở có quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng không thống nhất.

Về việc người sử dụng đất hiến đất làm đường giao thông, UBND tỉnh nhận thấy người dân có đơn đề nghị hiến tặng đất cho nhà nước sau đó người sử dụng đất tự đầu tư hạ tầng về giao thông, thoát nước, dựng trụ điện trên đất đã hiến tặng.

Tuy nhiên, mục đích việc hiến đất là phục vụ nhu cầu lợi ích của cá nhân để thực hiện phân lô, bán nền, không phải là việc cho quyền sử dụng đất Nhà nước thực hiện các công trình công cộng theo quy định pháp luật. Việc hiến đất làm đường tại các khu vực chuyển mục đích, tách thửa nêu trên không phù hợp với các quy hoạch hệ lụy phá vỡ các đồ án quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng… tiềm ẩn nguy cơ hình thành các điểm dân cư tự phát, không đúng quy định…

UBND tỉnh cũng nhận thấy hiện các sàn giao dịch bất động sản được phép hoạt động trên địa bàn tỉnh không thực hiện đầu tư phân lô bán nền tại các khu vực nêu trên. Đây là hoạt động do các sàn giao dịch bất động sản, như New City, Cường Thịnh Land, Hưng Vượng Land… thực hiện môi giới, quảng cáo, đặt tên cho các khu đất phân lô nêu trên thành dự án "khu dân cư", "khu đô thị" mà chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư.

Xử lý cán bộ sai phạm

Với những vi phạm phát hiện kiểm tra, UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Cam Lâm hủy các quyết định chuyển mục đích sử dụng đất và các văn bản chấp thuận cho phép hiến đất làm đường giao thông đối với các trường hợp nêu trên. Đồng thời, kiểm tra, xử lý về quản lý trật tự xây dựng đối với các khu vực đã xây dựng hạ tầng.

Bên cạnh đó, tổ chức kiểm điểm xử lý nghiêm trách nhiệm đối với lãnh đạo UBND huyện Cam Lâm qua các thời kỳ (theo lĩnh vực được giao phụ trách) trong công tác chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành thực hiện công tác quản lý nhà nước về đất đai, đầu tư xây dựng; của các cán bộ, công chức thuộc phòng, ban và lãnh đạo UBND các xã có liên quan đến những tồn tại, hạn chế nêu trên.

Sở Xây dựng tỉnh kiểm tra hoạt động kinh doanh dịch vụ bất động sản như Cường Thịnh Land, Hưng Vượng Land... đã thực hiện môi giới, quảng cáo, đặt tên cho các khu đất phân lô nêu trên thành dự án "khu dân cư", "khu đô thị" mà chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư.

Nở rộ tình trạng núp bóng hiến đất làm đường để phân lô bán nền - 2

Sau tách thửa, các lô đất nền bị bỏ hoang, gây lãng phí (Ảnh: Hà Phong).

UBND huyện Cam Lâm có trách nhiệm hủy các quyết định chuyển mục đích sử dụng đất và các văn bản chấp thuận cho phép hiến đất làm đường giao thông đối với các trường hợp nêu trên. Đồng thời, kiểm tra, xử lý về quản lý trật tự xây dựng đối với các khu vực đã xây dựng hạ tầng.

Tương tự, UBND tỉnh Lâm Đồng đang xem xét, chỉ đạo hướng xử lý đối với các trường hợp đã và đang thực hiện việc hiến đất làm đường, phân lô tách thửa. Sau khi UBND dân tỉnh có kết luận chỉ đạo, UBND thành phố Bảo Lộc sẽ tiến hành tổ chức thực hiện nghiêm đối với các trường hợp trên.

Trong khi chờ chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND thành phố đã có nhiều văn bản, chỉ đạo UBND các phường, xã và các phòng ban chuyên môn tăng cường siết chặt công tác quản lý đất đai, xây dựng trên địa bàn, tổ chức kiểm tra, rà soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm mới phát sinh theo đúng tinh thần chỉ đạo UBND tỉnh và các quy định hiện hành.

Theo ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam - việc phân lô bán nền đang tạo ra hiện tượng găm giữ đất đai tìm cách "thổi giá". Thực trạng này làm lũng đoạn thị trường, gây lãng phí tài nguyên và không tạo ra phát triển kinh tế mà chỉ gây rối cho phát triển kinh tế địa phương.

Cũng theo ông Đính, ngay cả trong trường hợp người mua đất thực sự có nhu cầu xây nhà ở thì cách phát triển nhà ở manh mún như vậy sẽ tạo ra sự không đồng bộ về cơ sở hạ tầng tạo áp lực lên địa phương, chưa kể đến tác động tiêu cực của việc phá vỡ quy hoạch địa phương, cản trở việc tích tụ tập trung đất đai.

"Chúng ta cần có những quy định mang tính bền vững hơn. Ví dụ như là các quy định về sắc thuế, quy hoạch. Thuế có thể trở thành một công cụ nếu như các nhà đầu cơ găm giữ đất đai mà chỉ nhằm mục đích sinh lợi cho bản thân làm tăng giá bất thường tạo bong bóng cho thị trường thì chúng ta có thể sử dụng sắc thuế để xử lý. Và sau khi tính toán người đầu tư cộng các loại thuế vào thấy lỗ sẽ không làm nữa", ông Đính nêu.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm