1. Dòng sự kiện:
  2. Chuyển động bất động sản 2024

Nở rộ phân lô bán nền trái phép: Người dân chớ mù mờ, ham rẻ!

(Dân trí) - Theo chuyên gia, thủ phạm của các đợt "sốt ảo" giá đất và tình trạng phân lô bán nền trái phép chủ yếu là giới đầu nậu, cò đất và một số ít doanh nghiệp bất động sản "bất lương" đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết hoặc thiếu thông tin của khách hàng để trục lợi...

Nở rộ phân lô bán nền trái phép: Người dân chớ mù mờ, ham rẻ! - 1
Hình minh hoạ.

Rộ phân lô, bán nền từ Bắc chí Nam

Thời gian gần đây, tình trạng phân lô bán nền tràn lan liên tục được phản ánh trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Chính quyền các địa phương cũng liên tục ra cảnh báo về tình trạng này.

Mới đây nhất, Sở Tài nguyên và Môi trường Bà Rịa - Vũng Tàu đã nêu đích danh về 196 trường hợp phân lô, bán nền trái phép trên địa bàn.

Danh sách này do Sở tập hợp từ thống kê của UBND các huyện, thị xã, thành phố. Các cá nhân vi phạm đang trong quá trình tự tháo dỡ hoặc bị cưỡng chế.

Tại khu vực phía Bắc, xu hướng bán hoặc huy động vốn đầu tư vào các dự án phân lô, bán nền cũng trở nên phổ biến trong khoảng một năm trở lại đây. Trong đó Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hòa Bình, Hưng Yên, vùng ngoại thành Hà Nội... xuất hiện nhiều dự án đất nền.

Trước đó, TP.HCM, Đà Nẵng, Đà Lạt, Bình Dương, Khánh Hoà… cũng xuất hiện tràn lan tình trạng này.

Theo Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA), có nhiều khu đất nông nghiệp, đất trồng cây cao su, đất không được quy hoạch là đất ở, nhưng đã bị phân lô tách thửa trái pháp luật để bán đất, bán đất nền.

Tình trạng này dẫn đến nhiều người bị lừa đảo, bị thiệt hại rất lớn, gây mất an ninh trật tự, làm phá vỡ quy hoạch phát triển đô thị của địa phương và làm trở ngại trong việc thu hút các nhà đầu tư dự án lớn do giá đất đã bị đẩy lên quá cao.

HoREA chỉ ra rằng, thủ phạm của các đợt "sốt ảo" giá đất và tình trạng phân lô bán nền trái phép chủ yếu là giới đầu nậu, cò đất và một số ít doanh nghiệp bất động sản "bất lương" gọi chung là đầu nậu, đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết hoặc thiếu thông tin của khách hàng và trong một số trường hợp đã câu kết với một số cán bộ chính quyền cấp cơ sở, hoặc có trường hợp do chính quyền cấp cơ sở buông lỏng công tác quản lý nhà nước trên địa bàn.

Thực tế đã cho thấy quá nhiều bài học cay đắng về những dự án “ma” nhưng không ít người dân vẫn bị mắc lừa. Thứ nhất bởi họ không có thông tin, tiếp đến là khả năng tung hỏa mù của nhiều chủ đầu tư rất tài tình.

Thậm chí có ý kiến cho rằng không loại trừ một số đơn vị còn có quan hệ với lãnh đạo địa phương và có thể làm được “điều này điều kia” nên dù biết là rủi ro nhưng nhiều người vẫn chấp nhận. Nếu không có biện pháp ngăn chặn thì thị trường bất động sản sẽ xuất hiện nhiều dự án “ma” hơn nữa trong thời gian tới.

Trách nhiệm chính quyền địa phương ở đâu?

Đề cập tới thực trạng phân lô trái phép tràn lan thời gian qua, ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý Nhà ở và thi trường Bất động sản nói với Dân trí: Trách nhiệm chính thuộc về chính quyền địa phương, họ đáng ra phải cảnh báo, kiểm soát, ngăn chặn triệt để tình trạng này.

Bên cạnh câu chuyện trách nhiệm của cơ quan quản lý, ông Ninh cũng đề cập tới phần lỗi từ chính nhà đầu tư. Thực tế không ít nhà đầu tư ham rẻ hoặc do chưa tìm hiểu kỹ nên vẫn “dính” phải những dự án này.

"Cư dân tăng số nhanh, nguồn tiền có hạn mà nhu cầu mua nhà lại lớn. Ai cũng muốn đi làm vài ba năm rồi tích cóp sở hữu được nhà riêng. Mặc dù nhu cầu nhà ở là bức thiết, giá rẻ ai cũng muốn nhưng người dân phải tính toán, tìm hiểu kỹ ở cơ quan công quyền để tránh xảy ra trường hợp đáng tiếc", ông Ninh nói.

Theo vị này, Bộ Xây dựng đã có văn bản nhắc nhở, cảnh báo. Trên thực tế, một số địa phương, quận, huyện đã công bố và cảnh báo các khu đất phân lô bán nền trái phép.

"Việc phân lô bán nền tràn lan vi phạm nhiều luật như Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng… Tất cả những trường hợp này nặng thì truy cứu trách nhiệm hình sự, nhẹ thì xử phạt hành chính. Do đó, người dân trước khi xuống tiền mua nên đến Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên Môi trường địa phương để hỏi kỹ các thông tin liên quan tới dự án", Cục trưởng Cục Quản lý Nhà ở và thi trường Bất động sản đưa ra khuyến cáo.

Trao đổi với Dân trí về kinh nghiệm trước khi xuống tiền, ông Nguyễn Văn Đính – Phó chủ tịch Hội môi giới bất động sản cho biết:

Đầu tiên, phải tìm hiểu kỹ thông tin về quy hoạch. Nếu không nắm rõ thì có thể tìm đến tham khảo đơn vị tư vấn uy tín. Thông tin quy hoạch luôn được đặt lên hàng đầu trước khi quyết định đầu tư.

Thứ hai, đó là giấy tờ pháp lí. Nếu cứ tham gia theo kiểu tù mù, thấy rẻ thì đầu tư rất dễ “ăn đòn”. Thời gian qua rất nhiều vụ việc bị lừa khi tham rẻ, không có giấy tờ pháp lý vẫn “cắm đầu” giao dịch. Đây không phải là đòi hỏi vô lý, bởi quy định luật kinh doanh bất động sản buộc chủ đầu tư, đơn vị phân phối phải công bố đầy đủ giấy tờ pháp lý.

Thứ ba, đó là vấn đề thị trường. Phải nhìn vào đó xem đó là thị trường ảo hay thực. Nếu toàn các đầu cơ ngắn hạn thì cần xem xét vì rất dễ có “vấn đề”.

Theo nhận định giới chuyên gia, đất nền vẫn tiếp tục là kênh lựa chọn đầu tư hàng đầu. Trong thời gian tới, nguồn cung mới có thể sẽ tăng nhưng không vượt qua mức cung trong năm 2018.

Tuy nhiên, người mua cần chuẩn bị tài chính, thận trọng tìm hiểu thông tin thị trường, pháp lý dự án. Đặc biệt, cần tìm đến những chủ đầu tư, đơn vị môi giới chuyên nghiệp để được bảo đảm quyền lợi trong các hoạt động giao dịch.

Nguyễn Mạnh