Nhuộm kimono bằng kỹ thuật Yuzen: 300 năm tuổi vẫn giữ nguyên hồn cốt

Mai Nâu

(Dân trí) - Ra đời từ cách đây 300 năm nhưng kỹ thuật nhuộm độc đáo này vẫn được sử dụng cho tới tận ngày nay, để làm ra các bộ kimono trứ danh của Nhật Bản.

Nhuộm kimono bằng kỹ thuật Yuzen: 300 năm tuổi vẫn giữ nguyên hồn cốt - 1

Nhuộm Yuzen là kỹ thuật phổ biến sử dụng trong thiết kế kimono. Ảnh: visitkanagawa

Có rất nhiều phương pháp nhuộm được sử dụng ở Nhật Bản và phần lớn được phát triển từ kiểu nhuộm của Trung Quốc cách đây vài nghìn năm. Trước đây, người ta nhuộm quần áo rất đơn giản, chỉ bằng các loại cỏ, hoa, hoặc thậm chí là bùn. Đến thế kỷ 8, giao thương gia tăng khiến phương pháp nhuộm trở nên đa dạng. Trong đó phải kể đến kỹ thuật nhuộm thủ công Yuzen.

Yuzen được phát triển dưới thời Edo từ giữa đến cuối thế kỷ 17. Kỹ thuật nhuộm này được đặt theo tên Miyazaki Yuzensai, một nghệ nhân sống ở Gion, Kyoto nổi tiếng vì làm ra những chiếc quạt gấp vẽ tay tinh xảo. Nhiều người đã khuyến khích Yuzensai dùng tài năng của mình để thiết kế kimono và tên ông nhanh chóng gắn liền với những thiết kế kimono hàng đầu ở Kyoto.

Vào thời đó, có luật cấm sử dụng đồ đạc xa xỉ và kimono nhuộm bằng kỹ thuật kanoko shibori phổ biến được liệt vào hàng xa xỉ. Nhuộm Yuzen ra đời tận dụng lỗ hổng trong luật lệ. Với kỹ thuật này, người dân có thể mặc kimono nhiều màu sắc mà không vi phạm quy định.

Nhuộm Yuzen có một số tính năng rất thú vị. Thứ nhất, bạn có thể áp dụng bất kỳ kiểu thiết kế nào mà mình muốn, giống như vẽ một bức tranh. Thứ hai, bạn có thể dùng nhiều màu sắc và sắc độ. Thứ ba, kỹ thuật đặc biệt dùng để tách biệt các mảng màu trên vải sử dụng các thành phần trong gạo nếp. Cuối cùng, Yuzen được thực hiện bằng cách kết hợp nhiều kỹ thuật nhuộm khác nhau. Vì vậy, Yuzen được cho là vượt trội so với các phương pháp nhuộm khác.

Nhuộm kimono bằng kỹ thuật Yuzen: 300 năm tuổi vẫn giữ nguyên hồn cốt - 2

Hồ bột gạo được sử dụng để khiến các mảng màu không bị lem. Ảnh: ffjs

Phương pháp nhuộm này được gọi bằng nhiều cái tên khác nhau, tùy thuộc vào khu vực địa lý: Kyo Yuzen ở Kyoto, Kaga Yuzen ở Ishikawa và Tokyo Yuzen ở Tokyo. Đó là 3 vùng nhuộm Yuzen chính ở Nhật Bản.

Yuzen có 2 hình thức nhuộm: Hình thức vẽ tay "Tegaki Yuzen" và hình thức dùng khuôn tô "Kata Yuzen". Trong đó, Tegaki Yuzen là phương pháp truyền thống. Kỹ thuật vẽ tay tạo ra những thiết kế cầu kì và hoa mỹ vô cùng. Dưới đây là các bước của kỹ thuật vẽ tay:

1. Tạo bản thiết kế họa tiết

2. Vẽ lại thiết kế lên vải

3. Sử dụng một loại hồ đặc biệt làm từ bột gạo (nori) để vẽ viền trên thiết kế, ngăn màu bị lem.

4. Nhuộm màu lên vải sử dụng bút vẽ thủ công

5. Hấp vải 20 phút

6. Phủ bột gạo lên các vùng đã nhuộm

7. Dùng bút lông để phủ màu, nhuộm nền cho tấm vải

8. Hấp vải trong khoảng 30-50 phút với mức nhiệt 90-100 độ C để cố định màu và làm tươi sắc độ.

9. Giặt vải để gột rửa hồ bột gạo và màu nhuộm còn sót lại.

10. Vải được hấp để điều chỉnh, tương tự bước là hơi.

Nhuộm kimono bằng kỹ thuật Yuzen: 300 năm tuổi vẫn giữ nguyên hồn cốt - 3

Phải mất 2-3 tháng mới nhuộm được 1 tan (12m vải) để may 1 bộ kimono. Ảnh: Goin’ Japanesque

Nhuộm kimono bằng kỹ thuật Yuzen: 300 năm tuổi vẫn giữ nguyên hồn cốt

Quá trình nhuộm Yuzen vẽ tay kể trên mất khoảng 2-3 tháng để cho ra đời một 1 tan (12m vải) đủ may 1 bộ kimono. Tính đến cuối những năm 1980, một bộ kimono dệt tay, nhuộm thủ công có giá vô cùng đắt, cỡ khoảng 25.000 USD.