Những lễ hội mùa đông độc đáo chỉ có tại xứ sở hoa anh đào
(Dân trí) - Mùa đông tại Nhật Bản cũng là mùa diễn ra nhiều nghi thức thanh tẩy trong giá lạnh để rèn luyện cơ thể và ý chí.
Chính vì vậy, mùa đông là thời điểm duy nhất trong năm du khách có thể thấy hình ảnh những người đàn ông Nhật Bản đóng khố đầm mình trong nước lạnh, bôi mực đen khắp mặt hoặc tham gia các lễ hội băng.
Saidaiji Eyo
Nhật Bản có rất nhiều lễ hội Hadaka Matsuri (lễ hội khỏa thân) tổ chức tại nhiều khu vực trong năm. Tuy nhiên, lễ hội được coi là điển hình của những lễ hội khỏa thân là Saidaiji Eyo. Đây là lễ hội hoành tráng quy tụ tới 10.000 nam giới khỏa thân hoặc đóng khố trong thời tiết giá lạnh cố gắng giành được Shingi (hai thanh gỗ thiêng biểu tượng của hy vọng và may mắn).
Lễ hội Saidaiji Eyo xuất phát từ nghi thức Phật giáo, có lịch sử đã 500 năm. Lễ hội được tổ chức vào cuối năm, thời điểm các nhà sư Phật giáo hoàn thành quá trình khổ luyện "Shujikai" để cầu cho hạnh phúc của người dân và thái bình của đất nước.
Điểm thu hút của lễ hội là cuộc tranh giành hai chiếc gậy Shingi bởi các nam giới. Những người tham gia được gọi là "Fuku Otoko" nghĩa là những người đàn ông may mắn. Nữ giới cũng có thể tham gia lễ hội "Onna-Eyo" và thực hiện nghi thức thanh tẩy trong nước lạnh khi mặc trang phục màu trắng. Du khách cũng có thể đăng ký tham gia lễ hội Saidaiji Eyo như một cơ hội để rèn luyện thể lực, thách thức những giới hạn.
Lễ hội thác băng Sounkyo
Vùng Hokkaido tổ chức lễ hội thác băng Sounkyo trong nhiệt độ khắc nghiệt của mùa đông ở mức -20 độ C. Những thác băng ở đây là những thác nước bị đóng băng trong giá lạnh và nhiệt độ thấp.
Các nghệ nhân khéo léo điêu khắc các công trình từ băng kết hợp cùng ánh đèn đủ mọi màu sắc đem đến không gian huyền ảo của lễ hội mùa đông. Ngoài ngắm cảnh, du khách còn có thể tham gia các hoạt động như leo trèo lên băng, trượt trong các đường ống hay nhấm nháp đồ uống tại các quán bar điêu khắc từ băng.
Matsue Sumitsuke Tondo
Rất nhiều quốc gia tổ chức những lễ hội mà ở đó người tham gia chẳng ngại bị lấm bẩn như lễ hội Holi (Ấn Độ) hay lễ hội Cà chua ở Tây Ban Nha. Nhật Bản cũng có những lễ hội như vậy, bao gồm lễ hội đóng dấu mực được tổ chức tại thành phố Matsue.
Các bà nội trợ trong các gia đình hòa lẫn bột than đá dùng để đun bếp hay tro bếp rồi trộn lẫn với rượu tạo thành loại mực đặc biệt và bôi lên mặt các thành viên trong gia đình. Ngày nay, để thuận tiện, người ta thường thay thế hỗn hợp trên bằng loại mực đặc biệt.
Theo quan niệm truyền thống, mực có tác dụng như lá bùa hộ mệnh. Những người được bôi mực sẽ tránh khỏi bệnh cảm lạnh trong năm mới cũng như được bảo hộ khi đi đường biển.
Lễ hội khỏa thân đền Aoshima
400 nam giới, nữ giới thuộc đủ mọi lứa tuổi tập trung tại bãi biển gần đền Aoshima trên đảo Aoshima trong trang phục khố fundoshi. Tại đây, đám đông sẽ thực hiện nghi thức Misogi để làm sạch cơ thể và tâm hồn, trí óc trước khi viếng thăm đền Aoshima.
Lễ hội khởi nguồn từ một truyền thuyết cổ kể rằng khi vị thần đền Aoshima trở về sau chuyến đi xa, dân làng bất ngờ và không có thời gian mặc quần áo nên đành vội vã chạy tới đón mừng vị thần trong trang phục bán khỏa thân.
Không khí lễ hội đền Aoshima vô cùng sôi động với hình ảnh những người tham gia chạy dọc bãi biển, đầm mình trong nước để thực hiện nghi thức thanh tẩy. Một nguyên nhân người tham gia khỏa thân trong các lễ hội khỏa thân Nhật Bản xuất phát từ quan điểm trạng thái khỏa thân là trạng thái nguyên bản nhất của con người, khi chúng ta không thể che đậy hay dối lừa.