Những chiêu lừa bán đất…biết rồi, nói mãi mà vẫn sập bẫy

Dùng dự án công ty khác ở quận 2 để rao bán, sau đó dụng chiêu lừa đưa khách đi Bà Rịa để bán đất dự án của mình mình. Chiêu lừa này đã được một công ty bất động sản ở TP.HCM sử dụng trong một thời gian dài.

Những chiêu lừa bán đất…biết rồi, nói mãi mà vẫn sập bẫy - 1

Quy hoạch chi tiết dự án khu dân cư Cát Lái

Dùng Kiến Á rao bán Thành Đô 

Theo lời hẹn, anh P.H có mặt tại một quán cà phê trên đường Hoàng Sa, quận 1, TP.HCM để giao dịch mua bán đất nền với Công ty Cổ phần Địa ốc Thành Đô, trụ sở trên đường Cộng Hòa - TP.HCM.

Tại đây, anh được nhân viên bán hàng của Thành Đô giới thiệu những tiện ích của dự án Khu dân cư Cát Lái, quận 2. Theo lời nhân viên môi giới, đây là dự án mới của công ty.

“Dự án chỉ còn 24 lô, diện tích mỗi lô từ 100 đến 300m2. Tùy vị trí lô sẽ có mức giá từ 35 đến 50 triệu/m2”, nhân viên bán hàng giới thiệu.

Cẩn trọng với những lời giới thiệu hào nhoáng, anh P.H kiểm tra thông tin, biết dự án Khu dân cư Cát Lái, quận 2 mà công ty Địa ốc Thành Đô rao bán chính là dự án Khu dân cư Kiến Á, quận 2 do Kiến Á Group làm chủ đầu tư.

Rao quận 2, ‘lai rai’ lừa qua Vũng Tàu 

‘Chim mồi’ sẽ chê bai thẳng thừng dự án mà nhân viên bán hàng giới thiệu: Nào là dự án này không bao giờ có giá đó; dự án quy hoạch đường 21m nhưng lại toàn xe container; nếu đầu tư một lô mà mức 4 đến 5 tỷ là không hợp lý…..Khi khách hàng rơi vào mê hồn trận giá và các chính sách khuyến mãi chính là thời điểm ‘chim mồi’ (giới bất động sản gọi là AC) xuất hiện và diễn.

Liến thoắng, ‘chim mồi’ hỏi và gợi ý nhân viên bán hàng giới thiệu dự án khác. Cứ thế họ dẫn dụ khách đi vào bẫy.

Anh P.H được nhân viên bán hàng đưa ra dự án ‘siêu việt’ khác mang tên là dự án Lan Anh 7 ở thành phố Bà Rịa (là dự án thật của công ty muốn bán đất nền cho khách hàng).

Nhân viên bán hàng chốt: “Giá đất ở dự án Lan Anh 7 chỉ từ 8 đến 9 triệu/m2. Với số tiền 5 tỷ, thay vì mua 1 lô ở quận 2 như quảng cáo trước thì bây giờ khách có thể đầu tư được 5 đến 6 lô ở Bà Rịa”.

‘Thổi’ lợi nhuận, lừa đặt cọc

Những chiêu lừa bán đất…biết rồi, nói mãi mà vẫn sập bẫy - 2

Dự án Lan Anh 7 ở Bà Rịa

Giới thiệu dự án mới Lan Anh 7, nhân viên BĐS Thành Đô quảng cáo: “Cơ hội chỉ đến 1 lần, hôm nay khai trương dự án và rất nhiều lô tốt ở Bà Rịa. Vốn đầu tư chưa tới 1 tỷ/lô, trong khi thành phố Bà Rịa bây giờ cực kỳ ‘hot’”.

Nhân viên môi giới này tiếp tục tấn công: “Giờ cất công đến đây rồi, anh chị đi thử một lần chứ có mất mát gì đâu. Giờ mua gần 1 tỷ, năm sau bán ra gần 2 tỷ. Em khuyên chân thành là các anh chị nên đi. Bà Rịa sẽ quy hoạch trung tâm thành phố mới với diện tích 1.000ha. Trong đó, công ty Địa ốc Thành Đô, TP.HCM sẽ phân lô bán nền 12ha ngay cạnh đó”.

Đánh tiếp vào lòng tham, nhân viên này tiếp tục thả thính: “nếu đặt cọc 50 triệu đồng thì được tặng ngay 1 chỉ vàng. Nếu thanh toán 95% ngày thứ 2 sẽ được tặng ngay 15 chỉ vàng”, nhân viên bán hàng đưa ra nhiều lợi ích.

Là người cẩn thận, anh P.H thắc mắc: “Tại sao ban đầugiới thiệu là dự án khu dân cư Cát Lái, cách hầm Thủ Thiêm có 3km mà giờ lại đòi dẫn đi Vũng Tàu. Như thế là làm mất thời gian của khách hàng”.

Ngay lập tức, nhân viên bán hàng nhanh nhảu chơi bài tình cảm: “Thông cảm cho Marketing của bên em, giờ cạnh tranh rất khốc liệt nên tụi em phải dùng chiêu này. Nếu anh đầu tư thì dự án không chỉ giúp quản lý đất, mà còn báo giá bán lại hàng tuần”.

Cảnh báo liên tục nhưng vẫn sập bẫy lừa

Cảnh báo về các hình thức lừa đảo phổ biến trong giao dịch bất động sản, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM chia sẻ: “Giới đầu nậu và một vài công ty bất động sản nhỏ cấu kết với nhau, lừa khách hàng bằng các thỏa thuận đặt cọc, góp vốn, hợp tác đầu tư để giao kết việc mua bán”.

Tất cả những thủ đoạn này đều vi phạm quy định luật kinh doanh bất động sản. Bởi theo luật kinh doanh bất động sản hiện hành quy định mua bán nền phải có hợp đồng.

Theo quy định, dự án muốn bán phải làm xong hệ thống hạ tầng giao thông, điện, nước. Chủ thửa đất phân lô phải được ngân hàng bảo lãnh. Muốn huy động vốn của khách hàng phải được sở Xây dựng đồng ý.

Sau khi liệt kê các trường hợp lừa đảo, mất tiền như: Lấy hết tiền của khách hàng trên đường đến khu vực quảng cáo phân lô bán nền; ghi những phiếu thu tiền, những biên bản thỏa thuận đặt cọc mà không có đầy đủ giá trị pháp lý. Hoặc đưa những người ra ký nhận tiền không đúng thẩm quyền, đưa khách hàng vào tình thế rủi ro, mất tiền….. ông Châu cho biết, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đã tiếp nhận hàng trăm trường hợp khách hàng phản ánh bị lừa đảo. Hiệp hội đã ghi nhận và lập danh sách các dự án, công ty có dấu hiệu lừa đảo, trình UBND thành phố để có hướng xử lý.

Theo: Công Hưng

Vietnamnet