Những bức tranh tường hồi sinh "thị trấn ma" Futaba

Mai Nâu

(Dân trí) - Nghệ thuật là một ngọn hải đăng. Nó có sức mạnh kết nối mọi người lại với nhau. Tuy nhiên, chính người dân thị trấn mới đóng vai trò trung tâm.

Bước ra từ cửa phía Đông của ga JR Futaba (Nhật Bản), bạn sẽ thấy một bức tranh graffiti vẽ một ngón tay trỏ chỉ vào khẩu hiệu, "Here We Go !!!", như muốn nói Futaba - vốn biến thành một "thị trấn ma" sau thảm họa kép năm 2011 tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima I - đã sẵn sàng cho một khởi đầu mới.

Cảm hứng cho bức tranh graffiti đến từ Jo Takasaki, 39 tuổi. Takasaki đã sơ tán đến Tokyo sau thảm họa hạt nhân. Bàn tay anh chính là hình mẫu của bức vẽ nói trên.

Những bức tranh tường hồi sinh thị trấn ma Futaba - 1

Bức tranh tường trước cửa ga JR Futaba. Ảnh: Asahi

Năm ngoái, khi biết đến dự án nghệ thuật biến một xưởng đóng tàu bỏ hoang ở Amsterdam thành nơi tụ họp cộng đồng, Takasaki liền nghĩ rằng đó là cách tuyệt vời để hồi sinh Futaba.

Tháng 6/2019, một chuyện tình cờ đã xảy ra ở quán rượu izakaya mà anh điều hành ở Sangenjaya, Tokyo. Tại đó, Takasaki đã gặp Takato Akazawa, chủ tịch của OVER ALLs, Co., một công ty chuyên thực hiện các dự án tranh tường và là bên đã làm thiết kế cho 3 cửa hàng Starbucks ở Tokyo và Yokohama.

Lúc đó, Akazawa đang nói chuyện với người quen về dự án cải tạo một khu vực xuống cấp ở Los Angeles. Anh còn say sưa nói về ước mơ hồi sinh các cộng đồng tại từng địa phương ở Nhật Bản thông qua nghệ thuật. Nghe thấy vậy, Takasaki lập tức đề nghị Akazawa vẽ tranh tường tại Futaba.

Ban đầu Akazawa rất vui vẻ nhận lời nhưng sâu trong lòng anh vẫn cảm thấy vướng bận về chuyện mình là một người hoàn toàn xa lạ và tới làm việc ở một thị trấn chịu ảnh hưởng nặng nề từ thảm họa hạt nhân. Tuy nhiên, cảm động trước sự nhiệt tình của Takasaki, Akazawa đã đến Futaba để xem xét mọi thứ.

Cuối cùng, Akazawa quyết định vẽ một tác phẩm theo chủ đề bi kịch của Shakespeare, Romeo trong bộ đồ bảo hộ đang với tay về phía Juliet đứng trên "ban công" - được thể hiện bằng biểu đồ cột bức xạ, với ý nghĩa họ có thể ở bên nhau sau khi lượng bức xạ giảm xuống.

Khi lái xe đến gần Futaba, Akazawa bắt gặp những cảnh mà anh chỉ thấy trên truyền hình: những dòng xe tải chở đầy đất đã khử nhiễm lướt qua, những biển báo "khu vực khó-trở-lại-như-cũ" trên đường phố hay những cánh cổng hạn chế ra vào và những mảnh đất um tùm cây cỏ.

Trong đó, Akazawa đặc biệt chú ý tới một bức tường thấp ở khu đất trống trước ga JR Futaba, vốn trước đây là nơi gia đình Takasaki sinh sống và cũng là quán ăn do cha anh quản lý.

Akazawa quyết định chọn bức tường làm "toan vẽ". Anh và cộng sự bắt tay thực hiện bức tranh "Here We Go!!!" trên tường, thể hiện quyết tâm của Takasaki rằng Futaba là "vùng đất của chúng ta". "Nghệ thuật là một ngọn hải đăng. Nó có sức mạnh kết nối mọi người lại với nhau. Tuy nhiên, chính người dân thị trấn mới đóng vai trò trung tâm", Akazawa chia sẻ.

Anh cũng giải thích rằng cụm từ Here We Go ý chỉ họ đang thực hiện một khởi đầu mới. "Tôi muốn dẫn đầu công cuộc xây dựng lại thị trấn. Chúng tôi đã mất rất nhiều trong thảm họa hạt nhân", Takasaki nói. "Nhưng nếu có thể xây dựng nơi đây trở thành một thị trấn nghệ thuật, chúng ta có thể thay đổi nhận thức về quá khứ. Sẽ thật tuyệt nếu chúng ta có thể tự hào nói: Tôi đến từ Futaba, nơi tạo nên phép màu nhờ nghệ thuật".

Sau thảm họa hạt nhân, 96% đất đai ở Futaba, một trong hai thị trấn đặt nhà máy điện hạt nhân Fukushima I, được xếp vào loại "khó-trở-lại-như-cũ" do lượng bức xạ cao. Tới đầu năm nay, chính phủ Nhật mới dỡ bỏ lệnh sơ tán ở một số khu vực quanh ga JR Futaba. Lệnh sơ tán đối với những khu vực có mức độ bức xạ thấp cũng được dỡ bỏ.

Giới chức Futaba hy vọng có thể chào đón 2.000 người đi sơ tán quay trở về vào năm 2027. Trước thảm họa thị trấn này có số dân gần 7.000 người. Khảo sát của chính quyền hồi mùa thu năm ngoái cho thấy 10,5% trong số 1.402 hộ gia đình trả lời rằng họ muốn quay trở về nhà.