Nhà giàu quyết không giảm giá thuê mặt bằng, thà đóng cửa bỏ hoang

Chủ nhà lạc quan vào đà hồi phục của thị trường, không có ý định giảm giá khiến cho nhà mặt phố treo biển cho thuê ngày càng nhiều.

Đìu hiu cung đường vàng

Chưa bao giờ mặt tiền nhiều căn nhà phố san sát nhau tại trung tâm lại đóng cửa im lìm như hiện nay. Đi từ phố Huế lên Hàng Bài (Hà Nội), người đi đường dễ dàng bắt gặp nhiều ngôi nhà đóng cửa, treo biển cho thuê mặt bằng, kể cả những mặt bằng lớn lên tới vài trăm mét vuông. Cách đây 1 năm, phố Huế vẫn là một trong những trung tâm kinh doanh sầm uất của Hà Nội với các ngành hàng thời trang, ẩm thực,...

Không chỉ phố Huế mà nhiều khu vực tại phố cổ, tình trạng nhà trống cho thuê cũng tương tự. Số lượng nhà treo biển cho thuê ngày càng nhiều. Ở thời điểm làm ăn tốt, nhiều mặt bằng chưa hết hạn cho thuê đã có khách đặt trước.

Nhà giàu quyết không giảm giá thuê mặt bằng, thà đóng cửa bỏ hoang - 1

Nhiều tuyến phố trung tâm đồng loạt treo biển cho thuê (Ảnh: Nhật Thanh)

Tình trạng ảm đạm này cũng tương tự tại TP.HCM. Tại các cung đường thương mại lớn như Hồ Tùng Mậu, Ngô Đức Kế, Lê Lợi hay Phạm Ngũ Lão, số lượng mặt bằng nhà phố đang chào thuê ra thị trường ngày càng nhiều; tuy nhiên, tốc độ lấp đầy lại rất chậm, chỉ vài nhà phố căn góc tại các tuyến đường có lưu lượng giao thông cao được thuê nhanh chóng.

Các tuyến đường được mệnh danh là "phố Hàn Quốc" như Bùi Bằng Đoàn, Phạm Văn Nghị, Đặng Đại Độ hay trong khu Phú Mỹ Hưng,... cũng rơi cảnh ảm đạm khi nhiều hàng quán đóng cửa, trả mặt bằng, những bảng hiệu Hàn Quốc dần tháo bỏ.

Trong khi nhiều nơi chấp nhận giảm giá mạnh thì không hiếm những căn nhà treo bảng cho thuê vẫn quyết tâm không giảm. Theo khảo sát mặt bằng tại một số tuyến đường ở Hà Nội, mức giá cho thuê khoảng 25-35 triệu đồng/tháng cho diện tích 60 m2, không hề thay đổi so với trước Tết.

Savills nhận định, đại dịch khiến nhiều khách thuê nhà phố mặt tiền làm mặt bằng kinh doanh phải đối mặt với khó khăn chồng chất. Nhiều chuỗi ăn uống và thời trang, dịch vụ tại các vị trí đắc địa phải đóng cửa ở các mặt bằng nhà phố do tình hình kinh doanh giảm sút.

Nhà mặt tiền tại khu vực trung tâm phụ thuộc vào lĩnh vực thương mại, du lịch bị hoàn trả mặt bằng do chịu ảnh hưởng nặng nề của chính sách hạn chế đi lại giữa các quốc gia. Các khách thuê tiềm năng đang tìm kiếm các ưu đãi giảm giá thuê lên đến 40% (cuối năm trước chỉ giảm ở mức tối đa 20%).

Còn theo khảo sát của CBRE, giá chào thuê mặt bằng bán lẻ nhà phố tại TP. Hồ Chí Minh giảm 10-20% so với trước dịch. Hiện, thời gian thuê ngắn hơn, rút xuống còn 2-3 năm thay vì kéo dài trong 5 năm như trước. Nhiều nhà bán lẻ hoãn việc mở mặt bằng mới khiến thời gian các mặt bằng bị bỏ trống kéo dài thêm.

Nhà giàu quyết không giảm giá

Thực tế, giá thuê mặt bằng ở khu này bị đẩy lên quá cao, vượt qua ngưỡng chịu đựng của khách thuê. Tình trạng mặt bằng kinh doanh trên đất vàng bỏ trống hàng loạt khi kinh doanh khó khăn là hệ quả của việc giá thuê mặt bằng liên tục tăng cao trong một thời gian dài.

Bà Võ Khánh Trang, Trưởng bộ phận Nghiên cứu, Savills Việt Nam, cho rằng khó khăn của phân khúc nhà phố có thể đến từ một số lý do, song chủ nhà vẫn rất lạc quan vào đà hồi phục của thị trường và không có ý định giảm giá chào thuê.

Nhà giàu quyết không giảm giá thuê mặt bằng, thà đóng cửa bỏ hoang - 2

Chủ nhà quyết không giảm giá (Ảnh: N.Thanh)

Trong khi đó, khách thuê vẫn tiếp tục giảm số lượng cửa hàng hoặc giảm diện tích và chuyển đổi sang thương mại điện tử. Nhất là tại các khu vực lượng người lưu thông giảm và phụ thuộc lớn vào lượng khách du lịch, khách thuê quyết trả mặt bằng dù một số chủ nhà chấp nhận giảm giá thuê trong ngắn hạn.

Một chuyên gia bất động sản nhận định, phần lớn gia chủ không giảm giá thuê đơn giản vì họ thuộc nhóm nhà giàu, thậm chí siêu giàu. Họ sở hữu nhiều căn nhà cho thuê nên việc thất thu ở một, hai căn không quan trọng.

Nhận định về phản ứng của thị trường, ông Lê Tuấn Bình, Trưởng Bộ phận cho thuê thương mại Savills, phân tích, hầu hết chủ nhà tại phố cổ chưa từng gặp trường hợp phải đi đàm phán giá thuê với khách thuê. Họ sẽ là bên lựa chọn khách thuê trả giá cao nhất. Song, giờ các chủ nhà ở phố cổ đang tích cực đưa ra các phương án giá phù hợp hơn với thị trường.

Hơn nữa, cần có sự linh hoạt hơn về phương án cho thuê, có thể là về mặt bằng cho thuê. Trước đây các chủ nhà cho thuê có rất ít các phương án cho thuê mặt bằng, nhưng nay đã linh hoạt hơn khi chia diện tích mặt bằng ra nhỏ hơn để khách thuê có thể lựa chọn.

Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Ðính cho rằng, trường hợp chủ nhà vẫn còn tâm lý "nhất quyết không chịu thiệt" thì bất động sản thương mại sẽ khó mà vực dậy được.

"Nếu không giảm giá thì chẳng có ai thuê. Mà không có ai thuê thì đương nhiên chủ nhà sẽ là người chịu lỗ vì vẫn phải đóng thuế đất. Vậy nên, trong giai đoạn khó khăn này, chủ nhà chấp nhận hạ giá cho thuê mặt bằng cũng chính là một cách tự cứu lấy mình", ông Ðính nói.

Theo đánh giá của các chuyên gia, tình trạng mặt bằng kinh doanh trên đất vàng bỏ trống hàng loạt có thể tiếp tục kéo dài đến cuối năm nay và sang 2021. Xu hướng giảm diện tích thuê hoặc trả những cửa hàng hoạt động không hiệu quả sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian tới.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm