Nhà di động là mô hình mới cần nghiên cứu

Gần đây trên thị trường xuất hiện nhiều mẫu nhà có diện tích nhỏ khoảng 12-40 m2, tạm gọi là nhà di động bởi nó có kết cấu lắp ráp, chất liệu chủ yếu là gỗ, kính, vật liệu nhẹ…

Nhà này có thể vận chuyển từ nơi này đến nơi khác, giá bán trên 400 triệu đồng cho diện tích 40 m2.

Hiện mô hình này đang nhận được sự quan tâm của nhiều người dân vì tính tiện ích của nó. Tuy nhiên, để xin giấy phép hay mua bán nhà di động còn có nhiều điều cần lưu ý.

Theo ThS Ngô Gia Hoàng, giảng viên Khoa luật thương mại - ĐH Luật TP.HCM, hiện nay pháp luật chưa có quy định rõ về việc đưa vào sử dụng các loại nhà này.

Theo khoản 10 Điều 3 Luật Xây dựng 2014, “công trình xây dựng là sản phẩm được tạo thành bởi sức lao động của con người, vật liệu xây dựng, thiết bị lắp đặt vào công trình, được liên kết định vị với đất”. Như vậy, công trình xây dựng là những công trình có gắn cố định với vị trí của một thửa đất cụ thể.

Mặt khác, theo quy định về phân cấp công trình xây dựng theo quy mô kết cấu tại Thông tư 03/2016 của Bộ Xây dựng thì “nhà cấp IV là nhà có chiều cao ≤ 6 m, có một tầng, được xây trên diện tích nhỏ hơn 1.000 m2 và nhịp kết cấu lớn nhất là < 15 m…”, tức là ngay cả với cấp công trình đơn giản nhất là nhà cấp IV thì cũng phải được xây dựng từ các kết cấu trụ cột, tường, dầm, sàn chứ không đơn giản là trổ cửa, lắp đặt thiết bị.

Rất khó để xem nhà di động là nhà ở hay công trình xây dựng nếu nó tồn tại độc lập.

Bởi vì loại nhà này không được cấu thành từ các vật liệu xây dựng (đất, đá, cát, xi măng…), cũng không có tính chất cố định của bất động sản, không gắn với một vị trí đất cố định, có địa chỉ rõ ràng.

Chính vì nhà di động không thể xem là nhà ở hoặc công trình xây dựng khác nên không áp dụng các quy định về xin giấy phép xây dựng cũng như cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu cho đối tượng này.

Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro cho bên thứ ba có giao dịch liên quan đến nhà di động khi dựa trên thông tin của giấy chứng nhận.

Bản chất nhà di động là động sản nên sẽ áp dụng các quy định của pháp luật dân sự để điều chỉnh. Việc giao dịch tài sản này tương tự như các động sản, không áp dụng quy định của pháp luật đất đai, nhà ở hay kinh doanh bất động sản.

Do đó, trong thời gian tới pháp luật cần nghiên cứu, bổ sung các quy định đối với các loại nhà này để người dân có thể hiểu rõ, giảm thiểu rủi ro; còn cơ quan quản lý nhà nước thì có cơ sở để thực hiện quyền quản lý chặt chẽ, thống nhất hơn.

Theo Nguyễn Châu

PLO