Người Nhật khỏe mạnh nhờ tắm onsen như thế nào?
(Dân trí) - Tắm onsen được chứng minh có nhiều tác dụng dược lý, giúp tăng cường sức khỏe, đặc biệt thích hợp với các quốc gia có dân số già như Nhật Bản.
"Liệu pháp onsen có nhiều tác dụng dược lý, hỗ trợ quá trình hồi phục sau chấn thương, bệnh tật và có tác dụng phòng bệnh", Yuko Agishi, giáo sư, bác sĩ thuộc Đại học Hokkaido, cho biết. Những tác dụng dược lý đã giúp các onsen đóng vai trò quan trọng trong liệu pháp tắm ngâm tại Nhật Bản. Từ thời Edo, người Nhật đã sử dụng liệu pháp onsen, còn được biết tới với tên gọi toji, để phục hồi sức khỏe sau một ngày lao động mệt nhọc. Người Nhật ngày nay vẫn giữ thói quen ngâm mình tại các onsen để thư giãn trí óc, cơ bắp.
"Cơ thể dễ di chuyển và luyện tập trong nước. Liệu pháp thủy sinh đặc biệt hiệu quả với những người cần tập luyện để phục hồi chức năng sau tai nạn hoặc rối loạn thần kinh", bà Agishi nói.
Những tác dụng dược lý của tắm onsen nằm ở các nguyên tố khoáng chất có trong dòng nước suối khoáng. Tắm trong các loại nước suối khoáng khác nhau có tác dụng điều trị các loại bệnh riêng biệt, như đau khớp, các bệnh về da, tiểu đường, táo bón, tăng cường miễn dịch… Bên cạnh việc ngâm tắm trong onsen, người Nhật còn uống trực tiếp nước suối khoáng. Hành động này có tên gọi là insen, nhằm giúp thu được hiệu quả trị bệnh hữu hiệu hơn khi đường ruột hấp thụ trực tiếp các khoáng chất trong nước suối. Các onsen, các tỉnh tại Nhật Bản cấp chứng nhận riêng cho các khu vực nơi nước suối phù hợp để uống trực tiếp.
Tại Nhật Bản, liệu pháp tắm ngâm tập trung chủ yếu vào việc ngâm mình trong các bể tắm onsen. Tuy nhiên, người dân nhiều quốc gia châu Âu quen thuộc với việc uống trực tiếp nước suối khoáng hơn là tắm, ngâm mình. Đức là quốc gia châu Âu có hệ thống cơ sở vật chất thuộc ngành dịch vụ trị liệu qua phương pháp tắm ngâm khá phát triển. Bệnh nhân thường nghỉ tại các cơ sở này trong 3-4 tuần để thực hiện liệu pháp tắm ngâm.
"Tại Nhật Bản, người dân thường tắm onsen trong ngày như một chuyến đi chơi, thư giãn. Điều này thực sự có tác dụng thư giãn, nhưng từ góc độ y học, liệu pháp onsen cần ít nhất 3 tuần để phát huy tác dụng", bà Agishi nói.
Năm 2002, cuốn sách về liệu pháp onsen "Onsen Ryoho no Techo" được xuất bản tại Nhật Bản, trong đó đưa ra giải thích khoa học về tác dụng của liệu pháp onsen, danh sách 310 bác sĩ, chuyên gia trong lĩnh vực để những độc giả quan tâm có thể tham khảo cũng như 509 onsen trên nước Nhật có dịch vụ, cơ sở phục vụ liệu pháp onsen.
"Với dân số già, liệu pháp onsen là điều cần thiết với xã hội Nhật Bản. Tắm onsen mang đến sự tự tin cho người cao tuổi khi họ có thể di chuyển thoải mái trong nước. Liệu pháp này giúp họ trị bệnh, phục hồi mà không cảm thấy quá nhiều áp lực", bà Agishi nói. "Với liệu pháp onsen, chính phủ có thể đảm bảo chi phí cho bảo hiểm và chăm sóc sức khỏe không tăng cao, trong khi người cao tuổi vẫn giữ được sức khỏe để tiếp tục làm việc".