Người Nhật ăn mừng Tết Nguyên đán như thế nào?
(Dân trí) - Dù Tết Nguyên đán không phải dịp nghỉ lễ tại Nhật Bản, nhiều hoạt động kỷ niệm, trang trí, lễ hội và tập tục thú vị vẫn được tổ chức ở nhiều nơi trên xứ Phù Tang.
Nhật Bản từng ăn mừng Tết Nguyên đán như một số quốc gia châu Á khác. Tuy nhiên, tới thời Meiji, cùng với sự hội nhập văn hóa phương Tây, chính quyền Nhật Bản chuyển sang chọn Tết dương lịch làm kỳ nghỉ lễ quốc gia.
Dẫu vậy, nước Nhật ngày nay vẫn có nhiều khu phố tập trung đông người gốc Hoa sinh sống như tại Yokohama, Kobe, Nagasaki, quận Ikebukuro tại Tokyo. Thế nên, cứ mỗi dịp Tết Nguyên đán, các hoạt động ăn mừng vẫn được con cháu người Hoa tổ chức tại các khu phố này để mừng ngày tết lớn nhất trong năm theo quan niệm truyền thống.
Các tập tục mừng năm mới
Tại các khu phố người Hoa tại Nhật Bản, người dân chuẩn bị đón năm mới đến qua việc dọn dẹp nhà cửa. Họ tin rằng việc dọn dẹp nhà cửa cũng là phương thức rũ sạch những xui rủi của năm cũ, dọn không gian cho may mắn vào nhà. Đây cũng là cách để người gốc Hoa tại Nhật Bản đón chào năm mới với những điều tươi mới, tinh thần và tâm trí sẵn sàng đón nhận vận may của năm mới.
Chính vì lẽ này, cửa chính và cửa sổ của nhiều ngôi nhà người Hoa được mở rộng trong dịp năm mới để mời may mắn vào nhà. Hoạt động dọn dẹp nhà cửa cần kết thúc trước thời khắc giao thừa, bởi người Hoa tin rằng dọn dẹp sau thời điểm này nghĩa là quét may mắn của năm mới đi.
Một phong tục khác được nhiều thế hệ người Hoa tại Nhật Bản duy trì là đi chúc Tết và trao tiền mừng tuổi cho trẻ nhỏ. Người Hoa có thói quen trang trí nhà cửa dịp Tết Nguyên đán với đồ trang trí có màu đỏ dựa trên quan niệm truyền thống treo những mảnh giấy đỏ quanh nhà có tác dụng xua đuổi tà ma. Màu đỏ cũng là màu tượng trưng cho may mắn theo quan niệm của người Trung Quốc.
Người gốc Hoa tại Nhật Bản cũng kiêng mua giày trong năm mới hoặc kiêng tắm rửa, cắt tóc ngày đầu năm bởi điều này có ý nghĩa gột sạch may mắn của năm mới.
Món ăn đặc trưng dịp Tết Nguyên đán
Vào đêm giao thừa, các gia đình quây quần ăn bữa cơm tất niên, với nhiều món ăn mang ý nghĩa tượng trưng cho may mắn. Há cảo, nem là các món ăn tượng trưng cho may mắn, cá tượng trưng cho thịnh vượng. Vào bữa cơm tất niên này, các thành viên trong gia đình cố gắng thức khuya theo tập tục "shou sui" có nghĩa là thức khuya để cầu sức khỏe, trường thọ cho cha mẹ.
Các lễ hội dịp Tết Nguyên đán tại Nhật Bản
Khu phố người Hoa tại Yokohama là một trong những địa điểm tổ chức Tết Nguyên đán tưng bừng nhất Nhật Bản. Các hoạt động lễ hội bao gồm múa sư tử, biểu diễn ca nhạc, biểu diễn xiếc, diễu hành trong trang phục truyền thống, trình diễn pháo hoa.
Khu phố người Hoa tại Kobe cũng ăn mừng Tết Nguyên đán với các màn trình diễn âm nhạc, pháo hoa, các gian hàng bày bán đồ ăn, đồ trang trí dịp tết trên đường phố.
Shinchi Chukagai tại Nagasaki là khu phố người Hoa lâu đời nhất tại Nhật Bản, được thành lập vào thế kỷ 17. Mỗi dịp Tết Nguyên đán, nơi đây lại tổ chức lễ hội đèn lồng quy mô lớn với 15.000 chiếc đèn lồng đủ mọi kích cỡ mô phỏng 12 con giáp.